Dạo một vòng internet, mình nhận thấy rất nhiều bài viết đưa ra vô số chiến lược đầu tư chứng khoán/cổ phiếu mà thực ra cái họ nêu lên chỉ là phương pháp đa dạng hóa danh mục hoặc kỹ thuật đầu tư. Họ còn đưa ra những lời khuyên kì cục như “bạn nên áp dụng nhiều chiến lược” (?). Để giúp những nhà đầu tư F0 khỏi lạc lối trong “mê cung”, mình sẽ cung cấp kiến thức chuẩn bằng 4 chiến lược đầu tư chứng khoán – được công nhận và áp dụng bởi các nhà đầu tư nổi tiếng trên thế giới. Bạn đọc cũng sẽ khám phá bản thân mình phù hợp với chiến lược đầu tư nào. Let’s go!
Các chiến lược đầu tư chứng khoán
Trước khi đi vào các chiến lược đầu tư chứng khoán, mình cần make sure 3 quan điểm sau, lưu ý rằng đây là quan điểm của bản thân mình, nếu bạn chưa cùng quan điểm với mình thì có thể đọc những bài viết mình có gắn kèm link bên dưới để chúng ta có cùng hệ quy chiếu trong đầu tư:
Vâng, không có chiến lực đầu tư nào là đúng/sai, chỉ có phù hợp hay không phù với bạn và liệu có đúng thời điểm hay không mà thôi.
Thời điểm là yếu tố rất quan trọng vì mỗi giai đoạn thị trường chứng khoán (TTCK) sẽ trả cho cổ phiếu từng mức giá khác nhau, điều đó ảnh hưởng đến chiến lược đầu tư của bạn.
Biểu đồ tổng quan VN-INDEX từ 2001 đến hết ngày 31/1/2022. Nguồn: Investing.com
Chiến lược đầu tư giá trị
Cơn địa chấn khủng hoảng kinh tế tại Mỹ và Việt Nam nổ ra năm 2008 kéo TTCK Việt Nam đổ đèo vô cùng “ấn tượng”: từ vùng đỉnh 1.170 điểm ngày 12/03/2007, chỉ số VN-Index giảm về 235 điểm ngày 24/2/2009 và chỉ lình xình quanh 390-500 điểm từ 2010-2014.
Chính trong giai đoạn này, nhiều nhà đầu tư nhận ra hàng loạt cổ phiếu cơ bản có nền tảng kinh doanh tốt đang được giao dịch với giá rẻ mạt so với giá trị nội tại do chịu chung sự bi quan của toàn TTCK. Họ bắt đầu gom mua và chờ đợi giá tăng khi TTCK phục hồi – đây gọi là chiến lược đầu tư giá trị (value investing).
Tất nhiên chiến lược đầu tư chứng khoán này không xuất phát từ Việt Nam, ai là người sáng tạo ra thì mình cũng không rõ. Chúng ta cần một chuyến du hành đến nước Mỹ – nơi có TTCK phát triển bậc nhất thế giới.
TTCK Mỹ năm 1933-1949 có nhiều điểm tương đồng với TTCK Việt Nam năm 2006-2008 khi dân chúng coi cổ phiếu là sòng bạc, họ phó thác sự may rủi ro hành động đầu cơ ngắn hạn và vay nợ margin cao. Giữa thời kì “nghiện chứng” điên rồ, có một nhà đầu tư thầm lặng trải nghiệm, quan sát và phát triển triết lý/chiến lược đầu tư giá trị – đó là Benjamin Graham, và sau này học trò của ông là Warren Buffett đã áp dụng chiến lược này vô cùng thành công (hẳn ai cũng biết Buffett thay vì Graham).
Thậm chí Buffett còn mua cổ phiếu của những doanh nghiệp đang thua lỗ (còn gọi là “điếu xì gà hút dở”) nhưng có tổng tài sản trên bảng cân đối kế toán lớn hơn vốn hóa thị trường và chờ ngày hoạt động kinh doanh hồi phục – turn-around. Nhưng bạn đừng dại mà bắt chước Buffett, vì sao ư? Click vào đây để biết nhé!
Quay trở lại chứng khoán Việt Nam, vậy là chiến lược đầu tư giá trị đã lên ngôi trong giai đoạn phục hồi kinh tế 2011-2014, niềm tin vào TTCK tăng lên, dòng tiền chảy lại vào tài sản cổ phiếu. Chiến lược này đã giúp nhiều nhà đầu tư giá trị gặt hái quả ngọt. Ví dụ như cổ phiếu CTCP Sữa Việt Nam (VNM) từ mức giá rẻ mạt hơn 6.000 đồng (2/2009) đã tăng lên gần 45.000 đồng (2/2014), đem lại mức tăng trưởng kép gần 50%/năm cho những nhà đầu tư kiên trì nắm giữ.
Một vài lưu ý về chiến lược đầu tư giá trị:
- Mua cổ phiếu với mức giá rẻ sẵn so với giá trị nội tại.
- Chăm chỉ sử dụng phương pháp phân tích cơ bản (FA) để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Soi xét thật kỹ chất lượng tài sản của doanh nghiệp.
- Kiên trì nắm giữ lâu dài: Buffett nói ông có thể nắm giữ trọn đời, còn nhà đầu tư cá nhân ở TTCK Việt Nam mình nghĩ chắc cỡ 5-10 năm là cùng.
Chiến lược đầu tư tăng trưởng
Giai đoạn 2016-2018, dòng tiền quay trở lại TTCK mạnh mẽ khiến giá cổ phiếu tăng nhanh và vượt khỏi giá trị nội tại của doanh nghiệp. Khi đó, cơ hội để bạn tìm ra những cổ phiếu giá rẻ gần như không tồn tại.
Lúc này, gu đầu tư trên thị trường bắt đầu có xu hướng mới: thay vì tìm kiếm những cổ phiếu giá rẻ như đầu tư giá trị, họ chọn những doanh nghiệp đang trong đà tăng trưởng nhanh, dự phóng lợi nhuận và dòng tiền của doanh nghiệp trong tương lai rồi chiết khấu về hiện tại. Nếu họ tin rằng giá cổ phiếu sẽ còn tăng theo đà tăng trưởng của doanh nghiệp, họ chấp nhận mua dù tỷ lệ giá trên thu nhập P/E không hề thấp. Đây gọi là chiến lược đầu tư tăng trưởng (growth investing).
Nguồn: Napkin Finance
Mình cũng không rõ ai là người đầu tiên đưa ra chiến lược đầu tư tăng trưởng, tuy nhiên chiến lược này được phổ cập thông qua quyển sách “Cổ phiếu thường, lợi nhuận phi thường” của Philip A. Fisher.
Các bluechips trên TTCK Việt Nam như MWG, PNJ, HPG có giá không hề rẻ hay P/E cao, tuy nhiên họ có những dự án tốt có thể tạo ra mức tăng trưởng 20-30%/năm trong tương lai đủ hấp dẫn những nhà đầu tư tăng trưởng.
Giai đoạn tăng trưởng, công ty thường sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư nhằm thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa thay vì trả chúng dưới dạng cổ tức. Do đó các nhà đầu tư tăng trưởng thích sự tăng trưởng đồng thời của thị giá cổ phiếu và hoạt động kinh doanh hơn là nhìn vào dòng cổ tức ổn định mà các nhà đầu tư giá trị tìm kiếm.
Khi công ty và thị trường bắt đầu trưởng thành, tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận chậm lại và sẽ chững lại khi hoàn toàn trưởng thành. Vì vậy, hiểu vòng đời kinh doanh của công ty là chìa khóa thành công của chiến lược đầu tư tăng trưởng: mua vào khi thị giá chưa phản ánh đủ tiềm năng tăng trưởng và bán ra khi tiềm năng tăng trưởng không còn.
Vậy đầu tư giá trị vs đầu tư tăng trưởng thì chiến lược nào hiệu quả hơn? Thật khó để trả lời, nhưng mình sẽ kể cho bạn về Charlie Mungers. Chính người cộng sự Mungers đã tư vấn cho Buffett một vài kèo cổ phiếu tăng trưởng vô cùng thành công, vượt bậc nhất trong số đó là cổ phiếu Apple (AAPL) – thương vụ thành công nhất – chiếm đến hơn 40% tỷ trọng quỹ đầu tư Berkshire Hathaway của Buffett.
Các cổ phiếu tăng trưởng thường đắt đỏ khi phân tích bằng tỷ lệ P/E và tỷ lệ giá trên sổ sách P/B. Các nhà đầu tư tăng trưởng sẽ bỏ qua mức P/E & P/B cao của hiện tại để nhìn vào tăng trưởng vượt trội trong tương lai. Tuy nhiên, thách thức chính của đầu tư tăng trưởng là khả năng dự báo triển vọng tương lai, mà tương lai thì thường bất định. Kể cả khi bạn ước chừng được mức tăng trưởng hợp lý, câu hỏi là nên trả bao nhiêu cho sự tăng trưởng đó.
Để giải quyết bài toán này, Peter Lynch – nhà quản lý quỹ nổi tiếng Fedelity Investments với lợi nhuận bình quân 29% trong 13 năm liên tiếp đã phổ biến chiến lược đầu tư tăng trưởng ở mức giá hợp lý (growth at a reasonable price, viết tắt là GARP) nhằm cân bằng mức tăng trưởng và định giá cao.
GARP sử dụng tỷ lệ PEG (price/earnings-to-growth) để xác định xem một công ty có được định giá hợp lý với triển vọng tăng trưởng của nó hay không. PEG được tính bằng cách lấy P/E chia cho tốc độ tăng trưởng dự kiến của một công ty. Kết quả bằng 1 hoặc ít hơn 1 cho thấy rằng cổ phiếu được định giá hợp lý, kết quả trên 1 cho thấy cổ phiếu quá đắt.
Khám phá: Định giá cổ phiếu theo tốc độ tăng trưởng PEG
Một vài lưu ý về chiến lược đầu tư tăng trưởng:
- Sẽ chẳng có cổ phiếu giá rẻ sẵn đâu nên bạn cần chấp nhận trả giá cao, nhưng cao phải đi kèm với hợp lý.
- Chăm chỉ sử dụng phương pháp phân tích cơ bản (FA) để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Hiểu biết về kinh doanh để nhận ra tiềm năng tăng trưởng (độ rộng thị trường, lợi thế cạnh tranh) nhưng đừng quên đánh giá rủi ro trên bảng cân đối kế toán vì các công ty tăng trưởng thường vay nợ nhiều.
- Kiên trì nắm giữ lâu dài nhưng phải biết bán cổ phiếu đi khi nhận thấy tiềm năng tăng trưởng chậm lại.
Chiến lược đầu tư theo xu hướng
Giai đoạn 2018-2021, mặc dù VN-Index có giảm mạnh vào một số thời điểm nhất định nhưng tổng quan thì TTCK đang trong đà hưng phấn, gần như không còn mã cổ phiếu nào đáp ứng được tiêu chí rẻ hoặc hợp lý nữa. Thị trường sôi động, giao dịch tấp nập đã thách thức tính kiên trì của những nhà đầu tư giá trị và tăng trưởng.
Nếu như 2 chiến lược đầu tư giá trị và tăng trưởng cần một khoảng thời gian dài, lên đến 2-3 năm để hiệu quả kinh doanh phản ánh vào giá cổ phiếu thì những nhà đầu tư mới quan niệm “mọi thứ đều đã được phản ánh vào giá”. Do đó họ cũng chẳng cần phân tích cơ bản (FA). Phương pháp họ ưa thích là phân tích kỹ thuật (TA) – và đây chính là nền tảng của chiến lược đầu tư theo xu hướng (trend following).
Chiến lược này còn được gọi với cái tên thân thuộc hơn là giao dịch liên tục và nắm giữ ngắn hạn (trading). Nhiều người coi đây là đầu cơ (speculating), nhưng mình đã giải thích ở đầu bài viết, hà cớ gì lại gọi là “đầu cơ” trong khi bạn hiểu rõ những gì bạn làm?
Phân tích kỹ thuật (TA) là phương pháp dự báo diễn biến giá cổ phiếu thông qua việc nghiên cứu diễn biến giá cả và khối lượng giao dịch trong quá khứ.
Tạm quên đi những biểu đồ nến, price action hay sóng Elliott, chúng ta quay trở về 130 năm trước để gặp Charles H. Dow – người sáng lập The Wall Street Journal và chỉ số nổi tiếng Dow Jones Industrial Avarage, đồng thời cũng là người sáng tạo ra Dow Theory – lý thuyết nền tảng tạo tiền đề phát triển các loại phân tích kỹ thuật sau này.
Theo lý thuyết Dow, tất cả các thông tin từ quá khứ, hiện tại cho đến tương lai gồm: kinh tế vĩ mô, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, tâm lý thị trường,… đều được phản ánh vào biến động giá cổ phiếu. Mà biến động giá lại phụ thuộc vào việc mua/bán cổ phiếu, do đó phân tích kỹ thuật chính là biểu thị cho hành vi của nhà đầu tư trên thị trường.
Xin thú thực với bạn đọc rằng mình không giỏi về trading nên mình sẽ không đào sâu thêm về chiến lược này.
Một vài lưu ý về chiến lược đầu tư theo xu hướng:
- Chỉ sử dụng phương pháp phân tích kỹ thuật (TA).
- Follow thị trường uptrend, nếu thị trường downtrend dù bạn có phân tích đỉnh đến mấy thì vẫn toang như thường.
- Kỷ luật và quyết đoán: chẳng hạn như cổ phiếu giảm 7-10% là phải chấp nhận cut loss ngay.
Đầu tư theo đà tăng trưởng
Nếu như chiến lược đầu tư giá trị và đầu tư tăng trưởng chỉ xét đến yếu tố doanh nghiệp, chiến lược đầu tư theo xu hướng chỉ xét đến yếu tố diễn biến giá và khối lượng giao dịch thì có một chiến lược kết hợp được tất cả các yếu tố – chiến lược đầu tư theo đà tăng trưởng.
Đây là chiến lược vô cùng thành công được phổ biến bởi Mark Minervini và William O’Neil – cha đẻ của phương pháp chọn cổ phiếu CANSLIM.
CANSLIM là bộ lọc tương đối khắt khe khi sử dụng phân tích cơ bản (FA) để đánh giá những tiêu chí về C – tăng trưởng lợi nhuận quý, A – lợi nhuận hàng năm, N – sản phẩm mới và sử dụng phân tích kỹ thuật (TA) để đánh giá S – cung và cầu cổ phiếu, L – hiệu suất giá, I – các tổ chức nắm giữ cổ phiếu và M – xu hướng thị trường.
Nguồn: Cú Thông Thái VNInvestor
Vì áp dụng cả FA và TA, CANSLIM giúp bạn tìm kiếm những cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng vượt trội trong một thị trường đang có xu hướng tăng giá.
Tuy nhiên CANSLIM có những tiêu chí không phù hợp với thị trường Việt Nam, chẳng hạn như tiêu chí về tăng trưởng. William O’Neil là người Mỹ, xung quanh ông là cổ phiếu Coca Cola, Apple có tăng trưởng bền vững 20-30%/năm suốt hơn chục năm liền vì họ bán sản phẩm ra toàn cầu, dư địa tăng trưởng không giới hạn. Ngược lại, những cổ phiếu tại Việt Nam dù tăng trưởng mạnh mẽ nhưng chỉ từ 3-5 năm rồi sẽ chững lại do dư địa tăng trưởng chỉ giới hạn trong dải đất hình chữ S. Khi bạn tìm ra những cổ phiếu như PNJ, MWG hay VNM theo tiêu chí tăng trưởng của CANSLIM thì đã trễ rồi.
Do đó bạn không nên áp dụng cứng nhắc CANSLIM, hãy modify nó bằng cách chấp nhận một số tiêu chuẩn ở mức thấp hơn. Ví dụ về tiêu chí chữ C: tiêu chuẩn gốc của William O’Neil là EPS quý sau tăng trưởng so với quý trước đều đặn 20-25%, tuy nhiên ở Việt Nam do tác động của yếu tố chu kỳ nên rất khó để có mức tăng trưởng đều, mình sẽ điều chỉnh lại là EPS trung bình 4 quý gần nhất so với EPS trung bình 4 quý trước đó có mức tăng trưởng 15-20% là đã đạt tiêu chí chữ C.
Ngoài ra, TTCK Việt Nam có những “câu chuyện” thú vị. Hãy nhớ rằng cổ phiếu không tự tăng giá, biểu đồ kĩ thuật cũng không tự lên xuống mà được quyết định thông qua hành vi mua bán của nhà đầu tư. Thông tin về vĩ mô, kết quả kinh doanh, dòng tiền trên thị trường,… mà mình gọi là “câu chuyện” sẽ hợp lý hóa cho hành vi của nhà đầu tư trên thị trường.
Tức là sao? Một cổ phiếu khi có câu chuyện tốt sẽ thu hút sự chú ý và dòng tiền của nhà đầu tư, từ đó thị giá sẽ tăng. Từng có câu chuyện Chính phủ Việt Nam áp thuế bảo hộ thép trong nước khiến một số doanh nghiệp thép đang “chết lâm sàng” bỗng lãi x10 lần, nhờ đó giá cổ phiếu cũng tăng x10 lần. Và rồi khi câu chuyện đến hồi kết thì cũng là lúc giá cổ phiếu lại trở về trạng thái lâm sàng.
Một vài lưu ý về chiến lược đầu tư theo đà tăng trưởng:
- Hiểu biết về kinh doanh để nhận ra cổ phiếu nào được hưởng lợi từ những câu chuyện, cũng phải biết sơ qua phương pháp phân tích cơ bản (FA).
- Sử dụng phân tích kỹ thuật (TA) để follow đà tăng giá.
- Vẫn là kiên trì nắm giữ lâu dài, nhưng chỉ từ 1-3 năm vì câu chuyện tăng trưởng tại Việt Nam không kéo dài lâu.
Chiến lược nào phù hợp với bạn?
Vậy là mình đã giới thiệu đến bạn đọc những chiến lược đầu tư chứng khoán phổ biến nhất. Có một vài chiến lược khác như đầu tư theo thông tin, đầu tư chênh lệch giá (arbitrage) nhưng không phù hợp với TTCK Việt Nam. Có 2 điều mình muốn lưu ý với các bạn để chọn ra chiến lược đầu tư phù hợp với bản thân:
- Phụ thuộc vào kiến thức của bạn: bạn biết FA hay TA? Bạn có hiểu về kinh doanh?
- Phụ thuộc vào tính cách của bạn: bạn năng động tìm kiếm cơ hội đầu tư với khẩu vị rủi ro cao hay bạn cần cù và chỉ chấp nhận biên an toàn khổng lồ?
Nhưng có một thứ duy nhất mà tất cả các chiến lược bạn cần phải đáp ứng: đó là sự chăm chỉ học tập, hiểu biết những gì mà bạn đang làm để đầu tư vẫn luôn là đầu tư chứ đừng biến nó thành đầu cơ.
Chúc bạn có những thương vụ thành công!