Một doanh nghiệp có lợi nhuận hấp dẫn sẽ đi kèm với tăng trưởng doanh thu bền vững. Hãy cùng Độc Lập Tài Chính tìm hiểu doanh thu là gì và nó tác động thế nào đến thị giá cổ phiếu.
Doanh thu là gì?
Doanh thu là toàn bộ số tiền doanh nghiệp thu được từ việc bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ – còn gọi là doanh thu đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi. Hoặc theo định nghĩa bởi Hệ thống Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 14: “Doanh thu là tổng giá trị các lợi ích kinh tế doanh nghiệp thu được trong kỳ kế toán, phát sinh từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh thông thường của doanh nghiệp, góp phần làm tăng vốn chủ sở hữu”.
Ngoài doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ, doanh nghiệp còn có doanh thu đến từ hoạt động tài chính và các hoạt động khác, tuy nhiên nó không bền vững và thường chỉ mang tính đột biến trong một thời kỳ nhất định, trừ trường hợp một số mô hình kinh doanh holdings như VEA hay REE, do đó mình sẽ không đề cập đến trong bài viết này.
Nếu bạn là người phân tích đầu tư cổ phiếu, bạn chỉ cần quan tâm đến doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ – nói gọn là doanh thu thuần. Đây là doanh thu sau khi trừ đi những khoản giảm trừ như chiết khấu, giảm giá hoặc hàng bị trả lại.
Chúng ta sẽ cùng thống nhất như sau: khi đề cập đến doanh thu tức là doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ.
Phân biệt doanh thu và dòng tiền
Sau khi có câu trả lời doanh thu là gì, mình hi vọng các bạn dành chút thời gian để đọc nguyên tắc ghi nhận doanh thu trong thuyết minh BCTC để nắm vững thời điểm ghi nhận doanh thu của một doanh nghiệp.
Doanh thu được ghi nhận trùng với việc doanh nghiệp chuyển giao hàng hóa hoặc khi dịch vụ đã được cung cấp và hoàn thành, không phải được ghi nhận khi khách hàng thanh toán tiền. Như vậy, doanh thu không đồng nghĩa với dòng tiền, hay nói cách khác có doanh thu chưa chắc có tiền.
Ví dụ: A ký hợp đồng bán 100 tỷ tiền hàng cho B, hai bên thỏa thuận B sẽ thanh toán ngay cho A 30 tỷ, 70 tỷ sẽ thanh toán sau 90 ngày. Như vậy, A ghi nhận doanh thu là 100 tỷ nhưng thực tế dòng tiền chỉ mới có 30 tỷ và 70 tỷ B sẽ trả sau – tạo thành rủi ro trong tương lai.
Theo nguyên tắc phù hợp của chuẩn mức kế toán, khi ghi nhận doanh thu thì phải ghi nhận chi phí và lợi nhuận tương ứng với doanh thu đó.
Khi bạn đã hiểu doanh thu là gì và nguyên tắc ghi nhận doanh thu, bạn sẽ “săm soi” hơn vào các khoản mục như phải thu khách hàng ngắn hạn, giao dịch với các bên liên quan, v.v… trong BCTC để đánh giá rằng doanh thu này có thể tạo thành tiền trong tương lai hay không, thứ quyết định chất lượng của doanh thu và lợi nhuận.
Dù doanh thu không đồng nghĩa với dòng tiền, nhưng chúng lại có mối liên hệ với nhau. Các doanh nghiệp sản xuất, bán buôn B2B (business-to-business) muốn nâng cao cạnh tranh sẽ chấp nhận nới lỏng chính sách bán hàng, cho khách hàng thanh toán trước ít hơn, nợ tiền dài hơn để dễ bán được hàng và tăng trưởng doanh thu. Khi đó doanh nghiệp sẽ gặp tình trạng thiếu hụt dòng tiền để trang trải cho các chi phí vận hành.
Do đó, một doanh nghiệp có doanh thu tăng trưởng hấp dẫn phải đi kèm với dòng tiền hoạt động kinh doanh tốt, không vì bất chấp bán hàng mà khiến dòng tiền suy yếu.
Khám phá: Dòng tiền thuần là gì? Vì sao dòng tiền quan trọng?
Thế nào là doanh thu tăng trưởng hấp dẫn?
Như mình đã nói ở trên, doanh thu tăng trưởng hấp dẫn phải đi kèm với dòng tiền hoạt động kinh doanh tốt, đó là tiêu chí đầu tiên.
Tiêu chí thứ 2 mà mình thường sử dụng đó là tỷ lệ tăng trưởng doanh thu thuần hàng năm. Một doanh nghiệp có tỷ lệ tăng trưởng doanh thu < 10%/năm là thiếu hấp dẫn đối với nhà đầu tư.
Tăng trưởng doanh thu thuần CTCP Sữa Việt Nam (VNM). Nguồn biểu đồ: Wichart.vn
CTCP Sữa Việt Nam (VNM) từng có giai đoạn 2008 – 2016 tăng trưởng như vũ bão, đánh chiếm ~ 50% thị phần sữa toàn quốc, đây cũng là giai đoạn thị giá cổ phiếu VNM tăng trưởng bền vững, đem lại hiệu suất sinh lời lên đến 260% cho nhà đầu tư. Nhưng từ năm 2017, tăng trưởng doanh thu chỉ còn +9,1% YoY và năm 2021 chỉ là +2,2% YoY, đem lại nỗi thất vọng khiến thị giá sụt giảm -41% so với đỉnh. Tăng trưởng của VNM trong ngành sữa không còn hấp dẫn vì:
- VNM cùng các công ty con đã chiếm hơn 50% thị phần sữa Việt Nam
- Nhiều đối thủ cạnh tranh như TH, Đà Lạt Milk và các doanh nghiệp nhập khẩu sữa
- Thị trường có xu hướng tiêu thụ sữa làm từ thực vật.
Trái ngược với ngành sữa trong nước đã bão hòa và không còn hấp dẫn, ngành thiết bị điện tử đang tăng trưởng mạnh nhờ GenZ – thế hệ ăn ngủ cùng công nghệ. Ông lớn của ngành này là CTCP Thế giới số (DGW) với mức tăng trưởng doanh thu đáng kinh ngạc trên 40% từ 2018 cho đến nay.
Tăng trưởng doanh thu thuần CTCP Thế giới số (DGW). Nguồn biểu đồ: Wichart.vn
Tăng trưởng doanh thu của DGW được phản ánh vào giá cổ phiếu, từ mức giao dịch chỉ khoảng 11.000 đồng từ đầu năm 2020 đã bứt phá mạnh mẽ và đạt đỉnh 145.000 đồng vào đầu năm 2022, tương ứng với mức sinh lời hơn 1300% (!) chỉ sau 2 năm cho các cổ đông DGW.
Những ngành còn dư địa tăng trưởng thì các doanh nghiệp trong ngành sẽ có cơ hội tăng trưởng doanh thu, và giá cổ phiếu dường như cũng phản ánh kỳ vọng tăng trưởng.
Cơ cấu doanh thu – quan trọng nhưng bị lãng quên
Tiêu chí thứ 3 mình nhìn vào là cơ cấu doanh thu. Phần lớn các nhà đầu tư không quá coi trọng đến nó, dù trong thuyết minh BCTC có đề cập đến, dẫn đến một số câu chuyện khá buồn cười thường xảy ra ở mỗi mùa công bố báo cáo tài chính.
LTG – Có phải là ông lớn ngành gạo?
Dịch bệnh Covid-19 khiến nhu cầu tích trữ lương thực của thế giới, giá gạo và sản lượng xuất khẩu gạo liên tục tăng vọt trong thời gian ngắn vô tình khiến xuất khẩu gạo được hưởng lợi từ dịch bệnh. Thị trường hướng sự chú ý đến cổ phiếu CTCP Tập đoàn Lộc Trời (LTG) – doanh nghiệp xuất khẩu gạo hiếm hoi và nổi tiếng nhất trên TTCK.
Cộng thêm một số thông tin tích cực khác như LTG công bố xuất khẩu gạo có thương hiệu đã đẩy giá cổ phiếu LTG tăng 60% chỉ trong vòng 2 tuần (từ 12.000 tăng lên hơn 19.000 đồng).
Tuy nhiên BCTC quý I/2020 của LTG là một cú shock lớn đối với giới đầu tư khi doanh thu -55% so với cùng kỳ và lợi nhuận âm 36 tỷ, đập tan kỳ vọng về một quý lợi nhuận đột biến.
Lãnh đạo LTG cho biết tình hình khó khăn chung của thị trường và dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh. Điều gì đã xảy ra với LTG?
Chúng ta sẽ cùng đào sâu cơ cấu doanh thu của LTG:
Quý 1/2019, tỷ trọng lương thực – gạo trên tổng doanh thu là 30% (chưa đến 1/3 doanh thu thuần), biên lợi nhuận gộp của lương thực – gạo là 2,75%, quá bèo bọt. Nếu trừ đi chi phí bán hàng và quản lý (SG&A) riêng mảng gạo thì có khi LTG kinh doanh gạo chẳng có lãi, chắc chỉ đủ để người lao động có công ăn việc làm (!).
Đây thực sự là một “cú lừa” giáng vào các nhà đầu tư khi LTG không phải là ông lớn ngành gạo. Một số người sẽ nói rằng: “năm 2020 ngành gạo tích cực, biết đâu LTG hưởng lợi?” Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp mảng gạo chỉ 2,75% – cái nền tảng đã yếu thì làm sao có thể bứt phá được kể cả thị trường chung hưởng lợi.
Mảng thực sự hái ra tiền cho LTG là thuốc bảo vệ thực vật với tỷ trọng 59% doanh thu và biên lợi nhuận gộp 35,6%.
Không cần xem đến các vấn đề khác, chỉ cần nhìn vào cơ cấu doanh thu và một chút phân tích về biên lợi nhuận ta đã có thể thấy rằng sóng tăng giá cổ phiếu LTG là sóng ăn theo, những nhà đầu tư bán cổ phiếu LTG trước khi BCTC Quý I/2020 được công bố đã hưởng quả ngọt.
Đọc thêm: Biên lợi nhuận gộp (gross margin) là gì?
VJC – Hãng hàng không nhưng lại bán tàu bay?
Hoạt động kinh doanh đem lại doanh thu chính của hãng hàng không là vận chuyển hành khách và các dịch vụ phụ trợ vận chuyển. Tuy nhiên BCTC của CTCP Hàng không Vietjet (VJC) thường xuyên ghi nhận “doanh thu từ chuyển quyền sở hữu và thương mại tàu bay”, chiếm 25-35% tổng doanh thu, tương đối vô lý đối với một hãng hàng không vì: (1) VJC không phải là hãng sản xuất máy bay như Boeing, Airbus mà có hoạt động kinh doanh là bán tàu bay; (2) Nếu VJC thanh lý tàu bay thì phải ghi nhận vào mục “thu nhập khác” thay vì “doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ”; (3) Thực tế VJC không hề thanh lý hay bán tàu bay.
Như vậy, việc chuyển quyền sở hữu và thương mại tàu bay thực ra là một cách để “book” doanh thu bằng thủ thuật kế toán sale & leaseback. Mình đánh giá doanh thu VJC không chất lượng.
Tổng kết
Vậy là xong bài viết khá dài, tóm tắt lại mình đã trả lời câu hỏi doanh thu là gì, những tiêu chí đánh giá doanh thu của một doanh nghiệp tăng trưởng hấp dẫn gồm: dòng tiền hoạt động kinh doanh tốt, tỷ lệ tăng trưởng doanh thu lớn hơn 10%/năm, cơ cấu và chất lượng doanh thu tốt (có khả năng tạo ra tiền thật sự). Hi vọng bài viết này sẽ giúp bạn đọc tìm kiếm, chắt lọc ra những doanh nghiệp tăng trưởng cao, đem lại kết quả đầu tư thỏa đáng so với công sức “đãi cát tìm vàng”.