Tran Tuan Anh vừa gia nhập đội doanh nhân tiên phong đang định hình lại hình ảnh và vai trò của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, anh vẫn nhớ khởi đầu khó khăn từ vài năm trước khi quyết định tới Oxford theo học.
Khi ấy, trong một môn học được giao bài tập về đầu tư, Tuan Anh đã chọn vàng và sau đó nhận được điểm thấp thứ 2 trong lớp. Điều đó khiến anh nhận ra cách thế giới đang suy nghĩ rất khác so với Việt Nam – nơi mà nhiều người dân vẫn đổ tiền vào vàng trước khi bất động sản hiện đại và thị trường chứng khoán phát triển.
Sau này, anh đã mang thế giới quan mở rộng đó về Việt Nam. Nhiều tài năng công nghệ cũng đang quay trở lại Việt Nam, không chỉ thúc đẩy chuỗi cung ứng điện tử để thách thức Trung Quốc mà còn cả nền kinh tế kỹ thuật số đang phát triển. Theo Nikkei, nhiều quốc gia mơ về việc phát triển những thung lũng Silicon của riêng họ. Việt Nam cũng không phải ngoại lệ và thậm chí họ còn có lợi thế đặc biệt: Đội quân những người đi học nước ngoài trở về đóng góp cho quê hương.
Trên thực tế, so với các nước láng giềng, từ lâu Việt Nam có nhiều học sinh ra nước ngoài theo học. “Nền giáo dục Anh quốc cho chúng tôi ý thức về mục đích để làm việc hơn là chỉ để kiếm tiền”. Tuan Anh hiện là CEO của startup Solano – một công ty đang nỗ lực mở rộng việc sử dụng tấm pin mặt trời cho biết.
Hơn hai thập kỷ thực hiện các chương trình du học đang mang lại trái ngọt. Những thế hệ đầu tiên đã có thời gian tốt nghiệp và đi làm – thường là ở nước ngoài – và giờ đây họ mang kinh nghiệm đó về Việt Nam khi đã đạt được những bước trưởng thành trong sự nghiệp. Cùng thời điểm, Việt Nam cũng đạt được những thành tựu đáng kể như hàng hóa công nghệ cao trong tỷ trọng xuất khẩu đạt 42% vào năm 2020, tăng từ mức 13% vào năm 2010.
Nhưng ở một số khía cạnh, hiệu suất chưa theo kịp tiềm năng. Các nhà cung cấp cho Apple nói rằng họ không thể tìm đủ kỹ sư. Việt Nam vẫn chưa tạo ra những startup như Gojek của Indonesia hay Shopee của Singapore, để có thể thực sự đưa thương hiệu vượt ra ngoài biên giới.
Tu Ngo, một nhà đầu tư cho biết, những người bạn cùng theo học ở nước ngoài như cô đã tiếp tục thành lập các công ty khởi nghiệp như nhà cung cấp máy học Palexy hay như ứng dụng trò chuyện Zalo của kỳ lân công nghệ VNG.
Nói một cách tổng quát hơn, những trường như Harvard và Cambridge đã giúp đào tạo nhiều người Việt Nam sau đó về nước để lãnh đạo mọi loại công ty công nghệ, bao gồm Tap Tap, một nền tảng phần thưởng, Uber Việt Nam và công ty khởi nghiệp hậu cần Abivin.
Ngày càng có nhiều sinh viên tốt nghiệp nước ngoài chọn quay về làm việc tại Việt Nam. Khi nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới, thu hút các công ty như LG và Alibaba, tình trạng di cư chảy máu chất xám đã giảm mạnh.
Khoảng cách giữa tham vọng công nghệ và thực tế trải dài từ các công ty khởi nghiệp đến các nhà máy. Lực lượng lao động đang đạt được một số bí quyết kỹ thuật bằng cách tạo ra các thiết bị cho Apple, Samsung, Bosch và Canon. Ông Nguyễn Đức Long, đại diện Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) cho biết, việc được giáo dục và đào tạo ở nước ngoài là vô giá.
Theo một nghiên cứu của Google, Temasek và Bain, Việt Nam được dự báo sẽ chứng kiến sự gia tăng lớn nhất khu vực cả về quy mô nền kinh tế internet vào năm 2025 và các giao dịch đầu tư mạo hiểm từ năm 2025 đến năm 2030.
Tu Ngo tư cho biết những doanh nhân quay trở lại quê nhà như Tuan Anh sẽ là cầu nối vượt qua những ràng buộc cũ.
Cô nói với Nikkei: “Các nhà đầu tư thường nói rằng Việt Nam có rất nhiều tiềm năng, nhưng thách thức nằm ở việc tìm kiếm những người sáng lập và đối tác mà họ có thể tin tưởng và xây dựng những doanh nghiệp có tiêu chuẩn quản trị cao và liêm chính. Chúng tôi tin rằng thế hệ cầu nối này có thể đưa mọi thứ tiến lên phía trước, giúp định hình nhận thức mới về các doanh nghiệp tại Việt Nam”.
Theo: Nikkei