Đầu xuân năm mới là dịp tưởng để du lịch hành hương, cầu bình an cho gia đình cũng như khám phá những công trình kiến trúc tôn giáo đặc sắc. Và núi Bà Đen nằm ngay gần Sài Gòn, là một trong những điểm đến rất đáng để bạn cân nhắc. Núi Bà Đen thu hút hàng triệu du khách mỗi năm đến chiêm bái và tham quan. Đặc biệt, tượng Phật Di Lặc tọa lạc trên đỉnh núi Bà Đen Tây Ninh mới được ra mắt gần đây cũng đang là một trong những chủ đề vô cùng “hot” không chỉ với “giới Phật tử” mà còn với bất kỳ ai đam mê du lịch bởi bức tượng nằm trên “nóc nhà Đông Nam Bộ” này nắm giữ những kỷ lục vô tiền khoáng hậu và nhiều điều thú vị không phải ai cũng biết. Ngay sau đây, bạn hãy cùng khám phá những điều thú vị về pho tượng Phật này qua bài viết dưới đây của Blog Du Lịch nhé!
1. Núi Bà Đen Tây Ninh Ở Đâu?
2. Sự Tích Núi Bà Đen Tây Ninh
3. Review tượng Phật Di Lặc lớn nhất trên đỉnh núi Bà Đen
4. Hướng dẫn lên núi Bà Đen chiêm ngưỡng tượng Phật Di Lặc
5. Những điều cần lưu ý khi lên núi Bà Đen chiêm ngưỡng tượng Phật Di Lặc
1. Núi Bà Đen Tây Ninh Ở Đâu?
Nằm tại xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh, Núi Bà Đen là một điểm du lịch nổi tiếng, cách trung tâm khoảng 11km về phía Đông Bắc. Thuộc quần thể di tích văn hoá, lịch sử cùng tên, Núi Bà Đen (hay Núi Bà Dinh, Núi Một, Núi Điện Bà) sở hữu chiều cao 986 mét so với mực nước biển, cao nhất trong hệ thống núi đồi khu vực Đông Nam Bộ. Nhiều du khách còn ưu ái đặt cho nơi này mỹ danh “Đệ Nhất Thiên Sơn”. Nhìn từ xa, Núi Bà Đen thoắt ẩn thoắt hiện giữa sương mây trắng xoá, tô điểm là quần thể đền chùa, miếu thờ… trải dài từ chân đến đỉnh núi. Đây thực sự là biểu tượng văn hoá và tôn giáo nổi bật của tỉnh Tây Ninh.
<<<Xem thêm: Du lịch Quảng Ninh 2024 – Kinh nghiệm viếng chùa Yên Tử ngày Tết phải nằm lòng
2. Sự Tích Núi Bà Đen Tây Ninh
Dưới thời nhà Nguyễn, quan trấn nhậm Trảng Bàng là Lý Thiên và vợ Ðặng Ngọc Phụng có một người con gái tên là Lý Thị Thiên Hương. Trong một chuyến lên núi vãng cảnh chùa, Thiên Hương không may bị côn đồ tấn công, nhưng được Lê Sĩ Triệt cứu giúp. Khâm phục tài đức hơn người của thiếu niên họ Lê, cha mẹ Thiên Hương đã hứa gả nàng cho Sĩ Triệt. Thế nhưng, số phận lại trớ trêu khi Thiên Hương trong thời gian chờ Sĩ Triệt tòng quân đánh Tây Sơn trở về lại bị bọn xấu vây bắt toan hãm hiếp. Để giữ đức hạnh và nghĩa tình với vị hôn phu, Thiên Hương đã nhảy xuống khe núi tiết tử. Hương hồn Thiên Hương trở về báo mộng cho vị sư trụ trì của ngôi chùa trên núi trong diện mạo màu đen sẫm. Từ đó, người đời gọi nàng là Bà Đen và lập miếu thờ để an ủi vong linh nàng tiểu thư đẹp người, đẹp nết nhưng yểu mệnh.
3. Review tượng Phật Di Lặc lớn nhất trên đỉnh núi Bà Đen
Ngày 28-1 vừa qua, tại núi Bà Đen (Tây Ninh) đã diễn ra lễ khai quang tượng Phật Di Lặc bằng đá sa thạch lớn hàng đầu thế giới. Lễ khai quang do Hòa thượng Thích Niệm Thới – Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Tây Ninh – chủ trì. Sự kiện này đã thu hút hàng ngàn Phật tử cùng du khách từ khắp nơi đến tham dự.
<<<Xem thêm: Top 10 ngôi đền chùa đẹp nhất thế giới, được công nhận di sản
3.1 Tạo tác siêu công phu
Đại tượng Phật Di Lặc tại đỉnh núi Bà Đen có chiều cao 36m, chiều rộng lớn nhất là 45m, diện tích bề mặt tượng là 4.651m2, và có trọng lượng là 5.112 tấn. Bồ Tát Di Lặc khổng lồ này được tạo hình ở tư thế ngồi, với khuôn mặt hiền từ, nụ cười hoan hỉ, hình dáng mập mạp, và cổ đeo tràng hạt. So với những bức tượng Phật Di Lặc lớn nhất trên thế giới khác được chế tác từ đá, tượng Bồ Tát Di Lặc tại núi Bà Đen là một kiệt tác bằng đá sa thạch lớn nhất thế giới. Tôn tượng Di Lặc được tạo hình theo một phương thức chưa từng có tại Việt Nam, được ghép từ 6.688 viên đá sa thạch tự nhiên theo mô thức bậc thang. Mỗi viên đá đều được lựa chọn cẩn thận, kiểm tra màu sắc, vân đá và kích thước chuẩn xác, sau đó được điêu khắc theo mẫu thiết kế rồi xếp chồng lên nhau thành 54 lớp. Đây là dự án đầu tiên sử dụng đá sa thạch để xây dựng tượng Phật. Chất liệu này được hình thành từ những hạt cát, trong đó có silic, một phần của đá vôi. Quá trình chế tác đòi hỏi người thợ phải nắm được những đường nét nào cần cắt bỏ và giữ lại. Do tượng được thiết kế theo lối bậc thang, nên bề mặt không nhẵn như những tượng khác. Việc gia công yêu cầu mỗi đường nét phải được điêu khắc cực kỳ chính xác và ăn khớp.
Theo đại diện đơn vị thiết kế, việc chọn vật liệu để tạo hình tượng Phật Di Lặc phải mang ý nghĩa trường tồn. Đá sa thạch xanh được chọn có chi phí rất cao và khó thi công hơn nhiều so với các chất liệu đơn thuần khác như tượng Phật bê tông tại một số địa phương khác. Quá trình sáng tạo rất kỳ công, nhưng thách thức lớn nhất vẫn là ở giai đoạn xây dựng. Các kiến trúc sư và kỹ sư của đơn vị thiết kế phải vừa học, vừa áp dụng công nghệ thiết kế BIM mô hình hóa công trình. Đây là công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới dùng triển khai phương án thi công. Tất cả các phần cấu trúc và các tảng đá đều được mô hình hóa 3D, sau đó được đánh dấu theo thứ tự cẩn thận trước khi được chế tác chính xác và ghép lại thành khối hoàn chỉnh. Thêm vào đó vì tất cả 6.688 viên đá sa thạch đều có hình dạng khác nhau do đó mỗi viên đá, dù chỉ lệch 1cm, cũng sẽ được cắt và điêu khắc lại. Những phần phức tạp nhất của tượng Phật, như bàn tay, bàn chân, mũi, cằm, miệng và tràng hạt, đều đòi hỏi sự chế tác và ghép đá tỉ mỉ, cầu kỳ, đảm bảo tính kỹ thuật, mỹ thuật và linh hồn cho tượng. Đặc biệt, do thi công ở trên đỉnh núi cao, với điều kiện thời tiết khắc nghiệt, thường xuyên có gió lớn và sương mù dày đặc, từng khâu trong quá trình xây dựng và chế tác tượng đều vô cùng phức tạp. Đơn vị xây dựng đã sử dụng robot để thi công, cẩu lắp từng vị trí nhằm giảm thiểu sức người. Có thể nói đây là một dự án đầy thách thức, với độ khó và cầu kỳ hiếm có trên thế giới.
Cũng theo đại diện của nhà cung cấp đá cho công trình, quá trình thi công yêu cầu người thợ phải có kỹ thuật cao và đôi mắt tinh tường để khi sử dụng búa và đục, họ có thể thổi hồn cho từng sản phẩm, từng viên đá, khi lắp lên chúng phải khít với nhau. Để tạo nên một công trình lớn như vậy, người chỉ huy phải nắm vững quy trình làm từng viên đá, từng khối đá và tính toán tỉ mỉ từng chi tiết nhỏ nhất. Nếu có xê dịch sẽ mất thêm thời gian làm đi làm lại. Tượng Di Lặc Bồ Tát là một trong những công trình Phật giáo cao nhất thế giới được xây dựng trên địa hình cực kỳ phức tạp. Đội ngũ thi công đã hoàn thành công việc trong thời gian kỷ lục là 9 tháng, với 120 nhân công thay phiên làm việc từ sáng đến 21h mỗi ngày.
Tượng Phật Di Lặc ngồi trên thác nước chảy tràn, mắt hướng về phía Đông như hướng về tương lai, bao quát toàn cảnh đồng bằng Nam bộ cùng hồ Dầu Tiếng rộng lớn. Là biểu trưng cho sự vui vẻ, an lạc và hạnh phúc, từ trên cao, Phật Di Lặc nở nụ cười hỉ hả như ban phước lành, nỗi hân hoan và niềm hạnh phúc vĩnh cửu tới chúng sinh.
<<<Xem thêm: Du lịch Ninh Bình tự túc 2023 – Kinh nghiệm viếng chùa Bái Đính ngày tết
3.2 Ghé thăm Cầu Ước – cây cầu tâm linh mang tính biểu tượng
Khi đến chiêm bái Tượng Bồ Tát Di Lặc trên núi Bà Đen, du khách còn có cơ hội đặt chân lên Cầu Ước – cây cầu tâm linh mang tính biểu tượng lần đầu tiên có tại Việt Nam. Cây cầu đặc biệt này có hình bán nguyệt, dài 90m, rộng 15m, được lát gạch và phủ men kim loại ánh vàng tạo hình vân mây, tượng trưng cho phước lạc và an bình. Hình dáng của Cầu Ước cũng gợi lên hình ảnh của nụ cười hỉ hả và vô ưu của Bồ Tát Di Lặc. Con đường dẫn du khách xuống Cầu Ước cũng là một trải nghiệm vô cùng độc đáo, thú vị, khi được thiết kế giống như một hang động tự nhiên, với những đường cong uốn lượn mê hoặc, huyền bí.
Bao quanh Tôn tượng Bồ Tát Di Lặc, cây cầu đóng vai trò như một chiếc cầu nối, dẫn đường cho vạn vật và nhân sinh đến với thế giới tâm linh màu nhiệm, đến gần hơn với Di Lặc Bồ Tát, cảm nhận nguồn năng lượng hoan hỉ, đức từ bi vô biên của Ngài và thành tâm hướng Phật, nguyện cầu bình an, may mắn. Cầu ấy cũng giống như một dải lụa mềm mại, vươn ra giữa bầu trời bồng bềnh, nơi du khách có thể buông bỏ muộn phiền, tận hưởng khoảnh khắc thư thái và chiêm ngưỡng trọn vẹn cảnh đẹp của ngọn núi Bà Đen xanh mướt, hồ Dầu Tiếng bát ngát phía xa, cùng với toàn cảnh yên bình của thành phố Tây Ninh trù phú từ đỉnh núi cao nhất Nam Bộ.
<<<Xem thêm: Kinh nghiệm tham quan cáp treo núi Bà Đen Tây Ninh 2023
3.3 Thưởng thức show nhạc nước chưa từng có tại Việt Nam
Xung quanh và phía sau Tượng Bồ Tát Di Lặc là một thác nước nhân tạo khổng lồ, chảy từ trên cao xuống các tầng bậc thang quanh thân tượng, tạo nên một cảnh đẹp kỳ vĩ và nhiệm màu trên đỉnh núi Bà Đen. Với chiều cao 35m, đây được coi là một trong những thác nước nhân tạo cao nhất ở châu Á. Điều đặc biệt là thác nước còn được kết hợp với hệ thống đài phun nước sử dụng công nghệ tạo những đợt sóng trào độc đáo, cùng với nhiều dải ánh sáng ấn tượng, làm nên một show nhạc nước đậm sắc màu thiền định. Với Tôn tượng Bồ Tát Di Lặc bằng đá sa thạch lớn hàng đầu thế giới tại vị trí trung tâm, show nhạc nước là sự kết hợp kỳ ảo giữa âm thanh, ánh sáng, laser, nước và các diễn viên trình diễn các vũ điệu mang đậm sắc màu văn hoá tâm linh.
Công nghệ tiên tiến và các thiết bị hiện đại, chưa từng xuất hiện tại Việt Nam cũng sẽ được sử dụng trong show nhạc nước này như máy vẽ Laser, máy chiếu 3D, máy Laser tạo hình khối, cùng với đèn moving head kết hợp hiệu ứng họa tiết ấn tượng lặp đi lặp lại vô hạn. Kết hợp với màn nước là hệ thống đèn, máng phun, vạn điện từ và vòi phun khổng lồ sử dụng công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới. Show nhạc nước là sự kết hợp giữa Phật giáo truyền thống và công nghệ hiện đại, giữa hình thức kiến trúc khúc chiết, gãy gọn và hiệu ứng mặt nước mềm mại, tạo nên một không gian trải nghiệm giàu cảm xúc, đưa hành trình chiêm bái Tôn tượng Di Lặc Bồ Tát trên đỉnh núi bà Đen thành một hành trình kiếm tìm niềm vui và hoan hỉ đúng nghĩa.
<<<Xem thêm: Kinh nghiệm viếng Chùa Bà trên núi Bà Đen ngày tết nhất định phải biết nha!
3.4 Trải nghiệm ẩm thực đặc sắc
Ẩm thực cũng là một trải nghiệm vô cùng hấp dẫn trong hành trình lên núi Bà Đen chiêm ngưỡng tượng Phật Di Lặc. Nơi đây không chỉ nổi tiếng với những cây kem mang biểu tượng của núi Bà từng gây sốt cộng đồng mà còn có rất nhiều món ăn đặc sắc mang hương vị riêng của núi Bà như pizza, ẩm thực chay… Đặc biệt, trong năm nay, du khách tham quan Núi Bà còn được trải nghiệm nhiều loại hình ẩm thực và các món ăn nhanh với giá cả vô cùng hợp lý. Theo đánh giá của nhiều du khách, đây là một nét mới khá hấp dẫn của khu du lịch Sun World Ba Den Mountain trong năm mới, bởi dịch vụ ẩm thực nhanh mang lại sự thuận tiện cho hành trình khám phá núi Bà của du khách.
4. Hướng dẫn lên núi Bà Đen chiêm ngưỡng tượng Phật Di Lặc
Khi đến chân Núi Bà Đen và nếu đi xe máy, bạn sẽ gửi xe tại bãi giữ xe với giá khoảng 5.000đ-10.000đ mỗi chiếc. Tiếp theo, bạn sẽ phải chọn hình thức để lên núi. Theo kinh nghiệm lên núi Bà Đen chiêm ngưỡng tượng Phật Di Lặc của Blog Du Lịch thì hiện có những hình thức phổ biến như đi bộ hoặc sử dụng cáp treo để lên đỉnh núi.
4.1 Leo núi
Với hình thức tự thân vận động là leo núi thì bạn có thể chọn lựa các cung đường có mức dễ đến khó như sau:
Đường chùa:
Đường Chùa nằm ở phía sau Chùa Bà, được biết đến là một trong những cung đường ngắn nhất nhưng đồng thời cũng dốc nhất để leo lên đỉnh Núi Bà Đen. Trên con đường này, cây cỏ hoang sơ có tầm thấp khá rậm rạp, với nhiều dốc đá lớn nên leo lên có thể khá khó khăn. Bạn hãy mang áo tay dài để tránh khỏi côn trùng đốt và để tránh bị trầy xước từ cây cỏ. Khung cảnh xanh mát dọc theo đường Chùa rất thơ mộng nên khá lý tưởng cho những người thích chụp ảnh.
Đường Cột Điện:
Đường Cột Điện được xem là một trong những lựa chọn phổ biến của các phượt thủ. Cung đường này đi qua rừng xoài và rừng chuối khá mát mẻ. Trên đường, còn có các mũi tên hướng dẫn và cột điện được đánh số theo thứ tự (từ 1 đến 117), nên nhóm bạn không lo lạc đường đâu nha. Đường cột điện bắt đầu từ đài Liệt Sĩ, khá dài và ít người qua lại, không có cửa hàng “tiếp tế” dọc đường. Bạn có thể dừng chân tại các mốc 55 và 65 để nghỉ ngơi, uống nước và thưởng thức cảnh đẹp. Thời gian leo núi thường dao động từ ba đến năm tiếng, tùy thuộc vào thể lực cá nhân.
Các Cung Đường Khác:
Đường HCM và Đường Đá Trắng: Đây là hai cung đường mới nhưng cũng là những con đường khó nhất. Việc chinh phục thường mất khoảng hai ngày, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng về thể lực và hành trang. Bạn chỉ nên đi khi có hướng dẫn viên người địa phương am hiểu về trekking, leo núi ở khu vực này.
Đường Ống Nước (Phía sau Chùa Bà), Đường Ma Thiên Lãnh và Đường Núi Phụng: Các đường này cũng đầy thách thức và dễ lạc nên bạn hãy chú ý nhé!
<<<Xem thêm: Kinh nghiệm đi máy bay ngày Tết – những sai lầm ai cũng mắc phải nhưng chưa ai nhắc bạn
4.2. Cáp treo
Để đáp ứng nhu cầu chinh phục núi của mọi đối tượng, đặc biệt là những người không thể leo núi thì cáp treo sẽ là một vị cứu tinh tuyệt vời. Đối với những du khách lựa chọn cáp treo thì hãy nhớ nắm vững giờ giấc và chi phí khi đi như sau:
Vé Cáp Treo Lên Chùa Bà:
• Vé khứ hồi: 250.000VNĐ/người lớn, 150.000VNĐ/trẻ em.
• Vé một chiều: 150.000VNĐ/người lớn, 100.000VNĐ/trẻ em.
Vé Cáp Treo Lên Đỉnh Núi:
• Cả vé khứ hồi và vé một chiều đều có giá là 250.000VNĐ/người lớn, 150.000VNĐ/trẻ em.
Lưu ý rằng cáp treo hoạt động liên tục từ 5h30 đến 21h30, và sẽ ngừng bán vé lúc 20h30. Do đó, du khách cần chú ý đến thời gian nhé!
5. Những điều cần lưu ý khi lên núi Bà Đen chiêm ngưỡng tượng Phật Di Lặc
• Mang theo chai nước để uống dọc đường nhưng hạn chế mang quá nhiều để tránh bị nặng.
• Chọn cung đường phù hợp với thể lực của mình.
• Trên đường hành hương hoặc leo núi, hãy tránh than mệt. Theo quan niệm tâm linh của nhiều người, nếu như than mệt thì đồng nghĩa với việc bạn không thành tâm đi lễ chùa. Vì thế, những tâm nguyện hay lời cầu khấn của bạn sẽ không được thần linh chứng giám.
• Trong dịp lễ Tết có rất nhiều người đến chùa để cầu may, tuy nhiên bên cạnh đó cũng là những kẻ xấu trà trộn vào đám đông, có những hành vi không đẹp như móc túi, ăn cắp, chính vì thế khi đi lễ chùa hay leo núi thì không nên mang quá nhiều tiền mặt trong người.
Hy vọng những thông tin mà Blog Du Lịch chia sẻ trong bài viết này đã giải đáp được những thắc mắc của bạn về tượng Phật Di Lặc lớn nhất trên đỉnh núi Bà Đen. Nếu bạn là một người yêu thích du lịch tâm linh thì đừng bỏ qua miền đất Phật này nha. Vùng đất Tây Ninh đầy nắng và gió cũng có rất nhiều những địa điểm du lịch nổi tiếng đáng để bạn một lần đặt chân tới lắm đó.
<<<Xem thêm: Kinh nghiệm viếng chùa Bà Châu Đốc ngày tết nhất định phải biết