Ngày 29/2, Đại học Kinh tế TPHCM (UEH) tổ chức tọa đàm “Chính sách thị trường carbon: Dự báo tác động và định hướng chính sách từ TPHCM” nhằm tạo nền tảng đối thoại chính sách giữa các nhà nghiên cứu, cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và tổ chức phi chính phủ.
Tại tọa đàm, GS.TS. Sử Đình Thành, Giám đốc UEH, cho biết, thị trường carbon là một công cụ kinh tế quan trọng trong việc thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính và chống biến đổi khí hậu.
Thị trường carbon được chia thành hai loại gồm thị trường bắt buộc (sản phẩm là các hạn ngạch phát thải khí nhà kính) và thị trường tự nguyện (sản phẩm là các tín chỉ carbon).
Từ tháng 10/2023, Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành cơ chế thuế carbon xuyên biên giới (CBAM – Carbon Border Adjustment Mechanism) nhằm đảm bảo sự công bằng trong cạnh tranh thương mại quốc tế và thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính.
CBAM sẽ áp dụng thuế đối với các sản phẩm nhập khẩu vào EU dựa trên lượng khí thải khí nhà kính (trực tiếp và gián tiếp) phát thải trong quá trình sản xuất. Điều này được dự báo sẽ tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp xuất khẩu sang EU trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, theo ông Thành, vấn đề trên cũng cần có nhiều nghiên cứu, diễn đàn thảo luận chuyên sâu hơn để có thể phân tích đa chiều tác động của CBAM và tận dụng các lợi thế, phát triển sáng kiến tăng tốc lộ trình đạt mục tiêu trung hòa carbon tại Việt Nam cũng như TPHCM.
Cũng tại tọa đàm, TS. Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Giảng viên Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước, cho biết thị trường carbon tự nguyện cho phép tổ chức và cá nhân mua bán tín chỉ carbon để phục vụ một số mục đích liên quan đến bảo vệ môi trường, xóa bỏ “dấu chân” carbon.
Thị trường carbon tự nguyện được xem là công cụ quan trọng trong việc góp phần đảm bảo hoàn thành những cam kết trong mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính 45% đến năm 2030, giảm phát thải ròng về 0 năm 2050.
Theo bà Nhung, thị trường carbon tự nguyện là xu thế, xu hướng của thế giới. Thị trường này cung cấp cơ chế linh hoạt và hiệu quả, giúp cho các cá nhân, tổ chức đẩy nhanh tiến độ, hành động giảm thiểu tác động lên môi trường, đảm bảo một số cam kết liên quan đến môi trường.
Đề xuất về một số phương án phát triển thị trường tín chỉ carbon, bà Nhung cho rằng TPHCM có thể đầu tư vào các dự án lắp đặt hệ thống đèn led tại các khu vực công cộng, trụ sở cơ quan Nhà nước, đầu tư vào các dự án phân loại rác thải, chuyển đổi và thúc đẩy sử dụng xe điện…
Để tăng cường vai trò là bên phát hành tín chỉ carbon trong thị trường carbon tự nguyện, TPHCM có thể xem xét ưu tiên ban hành một số chính sách như quy định về nguồn vốn tài trợ và các phương thức sử dụng vốn cho hoạt động phát triển dự án phát hành tín chỉ carbon.
Cơ chế tài chính rõ ràng sẽ giúp thành phố phân bổ nguồn lực công hợp lý, đáp ứng được nhu cầu về vốn trong suốt vòng đời của dự án nhằm đảm bảo chất lượng và số lượng của tín chỉ carbon có thể phát hành.