“Thủ phạm” gây suy thoái
Hiromichi Akiba, chủ một siêu thị ở Tokyo, đang tăng cường dự trữ thịt gà trong cửa hàng của mình do khách hàng thường mua thịt bò đang chuyển sang các loại thịt rẻ hơn. Trong bối cảnh giá cả tăng cao khiến khả năng chi tiêu của người dân, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp và nền kinh tế Nhật Bản đều bị ảnh hưởng.
Cô Risa Shinkawa, một chuyên viên làm đẹp 32 tuổi, cũng chẳng hy vọng sẽ được tăng lương. Thậm chí, thu nhập của cô đang bị giảm. Ngành dịch vụ tại Nhật Bản đang đi xuống, nhất là với nhóm doanh nghiệp nhỏ đóng góp tới 70% lao động tại nước này.
Shinkawa buộc giảm chi các khoản không cần thiết. “Lương của tôi đang giảm. Vì thế, tôi phải dừng mua quần áo và ăn ngoài để tiết kiệm tiền”, cô Shinkawa cho biết.
Sự tằn tiện của Shinkawa và hàng triệu người khác phản ánh sự mong manh của nền kinh tế hàng đầu châu Á.
Người tiêu dùng Nhật Bản, vốn đã quen với việc giá cả đứng yên suốt nhiều năm, đã gặp cú sốc khi đồng yen yếu kéo giá mọi thứ lên cao. Đồng tiền này đã mất giá gần 20% trong hai năm qua so với USD.
Mới đây, số liệu chính thức cho thấy GDP quý IV/2023 của Nhật Bản giảm 0,1% so với quý trước và là quý thứ hai liên tiếp quốc gia này tăng trưởng âm. Trên lý thuyết, Nhật Bản đã rơi vào suy thoái và mất vị trí nền kinh tế lớn thứ ba thế giới về tay Đức.
Đáng chú ý, tiêu dùng cá nhân, đóng góp hơn nửa GDP, giảm 0,2% trong quý IV/2023 so với quý trước đó. Giới phân tích cho rằng đây là nguyên nhân chính khiến Nhật Bản suy thoái. Điều này trái ngược với dự báo của các chuyên gia. Trước đó, trong một cuộc khảo sát của Reuters, giới chuyên gia dự báo kinh tế Nhật tăng trưởng 1,4% trong quý IV.
Cả năm, GDP danh nghĩa của Nhật Bản tăng 5,7%, đạt 591.480 tỷ yên, tương đương 4,2 nghìn tỷ USD.
Trong khi đó, Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đã ghi nhận GDP danh nghĩa tăng trưởng 6,3% trong năm 2023, đạt mức 4.120 tỷ euro, tương đương 4.460 nghìn tỷ USD.
“Bức tranh tăng trưởng ảm đạm khiến cho Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) khó thắt chặt chính sách tiền tệ hơn”, bà Charu Chanana, chuyên gia ngoại hối của công ty Saxo Markets nhận định.
Nguyên nhân chính khiến kinh tế Nhật suy giảm là nhu cầu trong nước suy yếu tại tất cả các lĩnh vực, bao gồm tiêu dùng tư nhân. Chỉ có nhu cầu bên ngoài được thể hiện qua giá trị xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ có đóng góp dương vào tăng trưởng GDP.
Đáng chú ý, tiêu dùng tư nhân, lĩnh vực chiếm khoảng một nửa nền kinh tế Nhật Bản, ghi nhận mức giảm hàng năm 0,9% trong quý IV. Người tiêu dùng nước này buộc phải thắt lưng buộc bụng trong bối cảnh giá thực phẩm, xăng dầu và nhiều mặt hàng khác tăng.
Thống kê cho thấy trong quý IV, đầu tư cơ bản của Nhật Bản giảm quý thứ 3 liên tiếp, với mức giảm 0,3%. Đầu tư phát triển bất động sản của khu vực tư nhân giảm 4%.
Trái lại, xuất khẩu tăng 11% nhờ đồng yên yếu. Một điểm sáng nữa là chi tiêu của du khách quốc tế đến Nhật Bản tăng mạnh.
Nhật Bản nhập khẩu 94% năng lượng cơ bản mà nước này tiêu thụ. Đối với nhu cầu lương thực, tỷ trọng được đáp ứng thông qua nhập khẩu là 63%. Bởi vậy, khi đồng yên mất giá, chi phí nhập khẩu của nước này tăng mạnh, đẩy sinh hoạt phí lên cao. Năm nay, đồng yên đã mất giá 6,6% so với USD, trở thành đồng tiền giảm giá mạnh nhất trong số 10 đồng tiền của các nước công nghiệp phát triển.
“Tiêu dùng tư nhân đặc biệt yếu, không được như dự báo đi ngang mà thị trường đưa ra trước đó. Không may là tiêu dùng sẽ càng yếu hơn trong tháng 1 do vụ động đất ở Nhật Bản. Mỗi khi có thảm họa thiên nhiên xảy ra, người dân càng tiêu dùng ít đi”, ông Neil Newman, chiến lược gia của công ty phân tích Japanmacro, nhận định với CNN.
Người dân thắt lưng buộc bụng
Tại Nhật Bản, lạm phát tăng cao và đồng yên liên tục mất giá. Xu thế này đang làm tăng giá nhân công, chi phí vận chuyển và năng lượng, ảnh hưởng tới cả người tiêu dùng, những người thường tới siêu thị giảm giá của ông để mua sắm tiết kiệm hơn
“Khách hàng thường lên trước danh sách những thứ họ muốn mua, nhưng giờ thì nhiều người sẽ xem thứ nào rẻ hơn rồi mới quyết định mua”, Akiba chia sẻ.
Giám đốc chiến lược của tập đoàn bán lẻ Aeon, ông Motoyuki Shikata, cho biết họ cũng nhận thấy người tiêu dùng “nhạy cảm” hơn khi giá cả tăng cao. Trong buổi phân tích thị trường tháng trước, ông chia sẻ người tiêu dùng đang dần “kiệt sức” khi liên tục phải trả nhiều tiền hơn.
Ông Harumitsu Moriyasu, một khách hàng quen mặt của siêu thị Akiba, không trông mong điều kiện sống của người tiêu dùng sẽ sớm cải thiện. Chỉ còn một năm nữa nghỉ hưu, người công nhân 64 tuổi này bày tỏ nỗi lo lắng về việc liệu ông có sống được với mức lương hưu sắp nhận.
“Lạm phát cao nhưng chi tiêu không tăng tương ứng, cho thấy xu hướng tiêu dùng tại đây đang yếu đến mức nào”, Hideo Kumano – nhà kinh tế học tại Viện nghiên cứu Dai-Ichi Life nhận xét. Nhu cầu dịch vụ từng bùng nổ hậu Covid-19 cũng hạ nhiệt dần.
Còn với bà Miho Ozaki (55 tuổi), sức ép lại đến từ giá xăng và điện tăng. “Chúng tôi đã chuyển sang dùng quạt sưởi chạy dầu và cố gắng không lái xe nhiều”, bà nói.
Thị trường chứng khoán Nhật Bản lại tăng vọt vài phiên qua. Tuy nhiên, chính các công ty cũng lên tiếng cảnh báo về tiêu dùng yếu và tác động của lạm phát, thay vì vui mừng khi hưởng lợi từ đồng yên.
Tháng trước, đại gia bán lẻ Aeon cho biết người tiêu dùng đang dần nhạy cảm với giá cả. Công ty này nhận thấy người mua ngày càng “mệt mỏi khi đối mặt với giá cả tăng”, Giám đốc Chiến lược Motoyuki Shikata cho biết.
Mảng kinh doanh quần áo của Aeon cũng bị ảnh hưởng bởi thời tiết ấm hơn dự kiến, nhưng doanh nghiệp này vẫn ghi nhận mức lãi tăng trong quý cuối năm 2023.
Với Ryohin Keikaku, công ty sở hữu thương hiệu hàng tiêu dùng Muji, tăng giá là việc cần cân nhắc kỹ. Người tiêu dùng chấp nhận sản phẩm này đắt lên, nhưng lại không đồng ý với sản phẩm khác, Giám đốc Nobuo Domae cho biết trong buổi công bố báo cáo tài chính tháng trước.
Nhà kinh tế Kumano dự báo kinh tế Nhật Bản còn đối mặt với nhiều thách thức nữa. “GDP quý I/2024 có thể tiếp tục co lại, do ảnh hưởng từ các trận động đất hồi đầu năm”, ông nhận định.
Giới phân tích vẫn đầy lạc quan
Dù kinh tế Nhật suy thoái, thị trường chứng khoán nước này đang trong xu hướng tăng trưởng mạnh, với chỉ số Nikkei 225 đang ở vùng cao nhất kể từ năm 1990. Ngoài ra, một số chuyên gia dự báo nền kinh tế Nhật sẽ khởi sắc trong những tháng tới.
Bà Min Joo Kang, nhà kinh tế cấp cao của ngân hàng ING nhận định rằng dù kết quả tăng trưởng quý IV năm ngoái gây thất vọng nhưng kinh tế Nhật Bản có thể hồi phục trong quý I năm nay.
Các chuyên gia của công ty nghiên cứu kinh tế Capital Economics thì cho rằng bức tranh môi trường kinh doanh sáng sủa hơn so với những gì mà các con số thống kê lớn phản ánh.
Theo Capital Economics, số liệu GDP quý IV của Nhật Bản rất có thể sẽ được điều chỉnh tăng trong lần công bố thứ hai vào tháng 3, và sẽ không ngăn được việc BOJ chấm dứt chính sách lãi suất âm vào tháng 4.
Cùng quan điểm lạc quan, Goldman Sachs dự báo kinh tế Nhật Bản tăng trưởng 1% trong quý I năm nay.
“Chúng tôi dự báo chi tiêu của du khách quốc tế tới Nhật Bản sẽ chậm lại nhưng xu hướng vẫn là tăng”, một báo cáo của ngân hàng Mỹ nhận định.
Giới đầu tư cũng đang lạc quan về thị trường Nhật Bản. Năm ngoái, thị trường chứng khoán nước này tăng 28%, trở thành thị trường tăng mạnh nhất ở khu vực châu Á.
Mới đây, Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley đã khuyến nghị tăng phân bổ vốn vào chứng khoán Nhật. “Đây là khuyến nghị tăng tỷ trọng lớn nhất trong số các thị trường mà chúng tôi theo dõi trên toàn cầu”, báo cáo chỉ rõ.
Xu hướng tăng của chứng khoán Nhật chủ yếu được thúc đẩy bởi hoạt động cải tổ doanh nghiệp và lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu được cải thiện. Cùng với đó, đồng yên yếu cũng giúp tăng cường lợi nhuận cho các công ty xuất khẩu của Nhật Bản – theo các nhà phân tích của công ty Eastspring Investments.