Có lẽ trong năm 2023, “suy thoái hay không suy thoái” chính là câu hỏi được nhiều người đặt ra nhất khi nói về tương lai kinh tế toàn cầu. Và thời gian đã cho chúng ta câu trả lời: Suy thoái chỉ là nỗi lo thái quá của một bộ phận các chuyên gia kinh tế cũng như định chế tài chính trước những biến cố chưa từng có tiền lệ.
“Nước Mỹ đang ở một vị thế tuyệt vời. Thành thật mà nói, Mỹ chính là một trong những nền kinh tế tốt nhất thế giới trong năm 2023”. Đó là những gì Chủ tịch Jerome Powell của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), anh cả trong giới ngân hàng trung ương toàn cầu, đã thừa nhận.
Quan điểm của ông dần thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn, từ lo ngại về những “tổn thương” mà nền kinh tế có thể gặp phải trước quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ thành những từ ngữ mang tính tán thưởng cao.
Ở bên kia Đại Tây Dương, kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cũng thành công “né” được suy thoái trong gang tấc với sự trỗi dậy của Italy và Tây Ban Nha trong giai đoạn cuối năm, góp phần giảm nhẹ tác động từ đà suy yếu của Đức – nền kinh tế lớn nhất khu vực.
Trong khi đó, 5,2% là tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế số hai thế giới – Trung Quốc trong năm 2023, vượt mục tiêu mà chính phủ nước này đề ra hồi đầu năm. Đây cũng là năm đầu tiên Trung Quốc từ bỏ chiến lược Zero-Covid sau 3 năm tổng lực chống dịch, gây thiệt hại không nhỏ đối với hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thế nhưng, sẽ là sai lầm nếu như tự mãn cho rằng giai đoạn nguy hiểm đã qua đi.
Ngoài sức mạnh tiêu dùng, kinh tế Mỹ tăng trưởng ấn tượng trong năm 2023 còn nhờ vào một trụ cột khác, đó là chi tiêu chính phủ. Điều đó đồng nghĩa với núi nợ của nền kinh tế số một thế giới đang không ngừng tăng cao.
Và hãy nhớ rằng, cuộc khủng hoảng bất động sản của Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Mặt khác, mức tăng trưởng vượt kỳ vọng của nước này năm vừa qua có nền là năm 2022 với phần lớn thời gian người dân nước này ám ảnh với “phong tỏa” trong đó bao gồm các thủ phủ kinh tế hàng đầu tư Thượng Hải, Bắc Kinh, Thâm Quyến,…
Còn tại lục địa già, kinh tế Eurozone thoát khỏi một cuộc suy thoái kỹ thuật (thường được định nghĩa qua hai quý nền kinh tế sụt giảm liên tiếp) khi tăng trưởng trong quý gần nhất là con số 0 tròn trĩnh.
Đừng quá kỳ vọng về sự bùng nổ
Trong báo cáo thường niên mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), cơ quan này đưa ra một dự báo: 2024 sẽ là năm thứ ba liên tiếp kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, hướng tới giai đoạn nửa thập kỷ yếu kém nhất trong vòng 30 năm trở lại đây.
Trong khi lạm phát đang dần tiến vào vùng kiểm soát tại nhiều quốc gia, điều đó chưa thể giúp kinh tế thế giới bùng nổ ngay lập tức. Thay vào đó, tốc độ mở rộng nền kinh tế toàn cầu trong thời gian tới sẽ tương đối chậm, khó lòng có thể bắt kịp các giai đoạn trước đó.
Sau khi phục hồi mạnh mẽ vào năm 2021, nền kinh tế toàn cầu chỉ mở rộng 3% trong năm 2022 trước khi giảm xuống còn 2,6% trong năm gần nhất. WB dự báo tốc độ tăng trưởng sẽ tiếp tục chậm lại trong năm 2024 xuống còn 2,4%. Những con số kể trên đều thấp hơn so với trung bình giai đoạn 10 năm 2011-2020. Còn đối với các quốc gia đang phát triển, người dân tại đây thậm chí còn nghèo hơn so với chính họ trước khi đại dịch nổ ra, WB đánh giá.
“Không dễ chịu chút nào khi bạn nhìn vào bức tranh tổng thể”, Ayhan Kose, Phó Kinh tế trưởng WB, chia sẻ.
Dù thừa nhận những diễn biến tích cực của lạm phát, nhưng ông Kose nhận định: “Còn quá sớm để nâng ly mừng chiến thắng”.
Căng thẳng địa chính trị
Trong 2 năm qua, căng thẳng địa chính trị đã trở thành rủi ro lớn nhất mà kinh tế toàn cầu phải đối mặt. Tình hình bất ổn đang xảy ra tại Đông Âu và Trung Đông, hai khu vực quan trọng bậc nhất toàn cầu khi gắn liền với nguồn cung dầu mỏ và lương thực. Nếu như xung động Israel – Hamas lan rộng, thị trường dầu mỏ toàn cầu có thể đối diện với sự nguy hiểm lớn chưa từng có khi Trung Đông đóng góp tới gần 1/3 sản lượng dầu thô toàn cầu.
Trong khu vực còn nổi lên một điểm nóng khác khi lực lượng Houthi liên tục tấn công tàu bè thương mại di chuyển qua Biển Đỏ, tạo nên một nút thắt trên một trong những luồng vận tải biển quan trọng kết nối giữa hai lục địa Á – Âu.
Căng thẳng địa chính trị đi liền với sự bất ổn, gây ảnh hưởng tiêu cực đối với đầu tư cũng như tình hình phát triển. Đó là chưa kể đến rủi ro áp lực lạm phát gia tăng khi các chuỗi cung ứng toàn cầu khó lòng tránh khỏi tác động từ xung đột.
Giá dầu được dự báo sụt giảm trong năm nay trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu không quá nổi bật. Nhưng nếu căng thẳng tại Trung Đông leo thang, giá dầu có thể bật tăng lên ngưỡng 3 chữ số. Khi đó, áp lực giá cả trên phạm vi toàn cầu sẽ bùng phát trở lại trong khi tăng trưởng sụt giảm 0,2 điểm phần trăm.
Ẩn số Trung Quốc
Với tốc độ tăng trưởng được dự báo rơi vào khoảng 4,5%, 2024 có thể là năm kinh tế Trung Quốc mở rộng với tốc độ chậm nhất trong hơn 3 thập kỷ trở lại đây nếu loại trừ giai đoạn đại dịch Covid-19. Việc nền kinh tế số hai thế giới “hụt hơi” sẽ cũng sẽ khiến nhiều quốc gia khác trên toàn cầu “thở dốc” với sự phụ thuộc lớn vào “công xưởng thế giới”.
Tính tới cuối năm 2021, Trung Quốc nhập khẩu tới 20% hàng hóa từ nhóm các quốc gia đang phát triển, cao hơn gấp 5 lần so với năm 2000. Nước này đồng thời là nhà cung cấp lớn của nhiều nguyên liệu quan trọng sử dụng trong quá trình chuyển đổi xanh toàn cầu. Nếu Trung Quốc tăng trưởng ít hơn 1 điểm phần trăm so với dự báo kể trên, kinh tế thế giới có thể mất thêm 0,2%, với các quốc gia có thế mạnh xuất khẩu tới nước này chịu tác động nặng nề nhất.
Gánh nặng tài chính
Thật bất ngờ khi chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ quyết liệt nhất 40 năm trở lại đây không gây ra một cuộc khủng hoảng như những năm 80 của thế kỷ trước. Mặt bằng lãi suất được dự báo đi xuống trong năm 2024 nhưng sẽ không quá nhanh.
Sau khi nằm dưới 0% trong một giai đoạn dài, lãi suất thực tế toàn cầu (sau khi đã khấu trừ đi lạm phát), hiện đã tăng lên và sẽ neo cao trong thời gian tới. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu dần chậm lại, việc lãi suất neo cao tiếp tục là “chướng ngại vật”, đặc biệt đối với nhóm các quốc gia đang phát triển có điểm tín dụng thấp.
Tính tới cuối năm 2022, số lượng các quốc gia đang gánh trên vai “gánh nặng” nợ nần tăng lên cao nhất kể từ đầu thế kỷ 21. Tăng trưởng yếu, lãi suất cao trong khi nợ công ngày một phình to, sẽ không bất ngờ nếu như xuất hiện thêm nhiều quốc gia rơi vào cảnh “cùng kiệt”. Tình trạng này cũng sẽ lấy đi 0,2% của tăng trưởng toàn cầu.
Hệ thống thương mại phân rã
Trong năm 2023, số lượng các “hàng rào” thương mại dựng lên ngày một nhiều. Khi các nước đề cao mục tiêu an ninh, những quy định hạn chế, những chiến lược như “friend-shoring” (sản xuất tại các quốc gia thân hữu) và “near-shoring” (sản xuất tại các quốc gia gần gũi về mặt địa lý) dường như là những lựa chọn hợp lý.
Tuy nhiên, những chính sách nói trên lại chính là rào cản đối với đà phục hồi của nền kinh tế thế giới. Năm ngoái, tăng trưởng thương mại toàn cầu chỉ đạt 0,2%, thấp nhất trong vòng nửa thế kỷ trở lại đây nếu không tính các giai đoạn suy thoái. Dù được dự báo cải thiện, tốc độ tăng trưởng thương mại có thể vẫn chỉ bằng một nửa so với giai đoạn 10 năm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Biến đổi khí hậu
Trong khi xung đột tại Trung Đông “bóp nghẹt” luồng vận tải biển quan trọng Á – Âu thì ở bên kia nửa bán cầu, biến đổi khí hậu cũng khiến cho một “mạch máu” giao thương trở nên khô cạn. Mực nước của kênh đào Panama xuống thấp kỷ lục trong năm 2023, khiến cho nhiều tàu thuyền không thể di chuyển.
2023 cũng là năm nóng nhất từng được ghi nhận trong lịch sử thế giới. Hạn hán, lụt lội, cháy rừng… liên tục xảy ra, góp phần nêu bật những tác động khôn lường của hiện tượng biến đổi khí hậu. Với tần suất ngày một nhiều, những hình thái thời tiết cực đoan sẽ gây gián đoạn không nhỏ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh và xa hơn là tăng trưởng.
Trong nguy có cơ, năm “rồng” hạ cánh mềm?
Những rủi ro trên là có thật nhưng đó không đồng nghĩa với sự chắc chắn về một giai đoạn đen tối phía trước. Vẫn còn đó những lý do để chúng ta có thể nuôi dưỡng niềm tin và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) là một trong những tổ chức đầu tiên “tưới nước” cho kỳ vọng đó.
Trong báo cáo đầu năm 2024, IMF dự báo kinh tế toàn cầu sẽ “hạ cánh mềm” trong năm nay khi áp lực giá cả thuyên giảm, qua đó hoàn toàn thoát khỏi “bóng ma” suy thoái đằng đẵng bám đuổi trong suốt năm vừa qua.
Theo đó, kinh tế toàn cầu được dự báo ghi nhận tốc độ tăng trưởng 3,1% trong năm nay, tương đương với năm 2023 trước khi nhích lên 3,2% vào năm 2025. Kết quả trên cao hơn 0,2% so với nhận định của chính họ cách đây hơn ba tháng.
Lý do nào khiến họ tự tin như vậy? Theo IMF, Mỹ, Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi lớn đều sẽ ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao hơn nhờ vào lộ trình nới lỏng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương, bằng chứng cho thấy cuộc chiến chống lạm phát đã thu về những thành tự nhất định.
“Chúng tôi nhận thấy lạm phát suy yếu nhanh hơn kỳ vọng”, Pierre-Olivier Gourinchas, Kinh tế trưởng IMF, chia sẻ trong một bài phỏng vấn. “Đó là cơ sở để kinh tế toàn cầu tăng trưởng nhanh hơn một chút, khiến cho viễn cảnh hạ cánh mềm càng trở nên rõ nét”, ông bổ sung.
Tuy nhiên, IMF đồng thời cảnh báo tốc độ tăng trưởng toàn cầu trong một vài năm tới, nằm dưới ngưỡng trung bình 3,8% của giai đoạn từ năm 2000-2019. Đó là bởi tác động từ quá trình tăng lãi suất thường có độ trễ và sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế bất chấp khả năng các ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất vào năm nay.
Ví dụ rõ ràng nhất là Mỹ. Dù Fed được dự báo cắt giảm lãi suất 3 lần trong năm 2024, tăng trưởng của nền kinh tế số 1 thế giới có thể sẽ chậm lại chỉ còn 2,1% và xa hơn là 1,7% vào năm 2025.
Tại châu Âu, tốc độ không quá nhanh dù thị trường lao động chưa vơi đi sức “nóng”. Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc khó có thể quay trở lại giai đoạn tăng trưởng thần tốc khi bủa vây lấy nền kinh tế số hai thế giới là khủng hoảng bất động sản, là niềm tin tiêu dùng yếu của người dân, là cạm bẫy giảm phát đang chực chờ sập xuống, là gánh nặng tài chính ngày một lớn của chính quyền trung ương và các địa phương.
Tuy nhiên, theo IMF, điều quan trọng nhất là các nền kinh tế không hề bỏ cuộc khi vẫn tiến về phía trước thay vì chịu trận và đi thụt lùi.
“Với xu hướng tăng trưởng không nhanh nhưng ổn định trong khi lạm phát thoái lui, rủi ro hạ cánh cứng cũng dần phai nhạt”, theo nội dung báo cáo của IMF.