Ngày 13/8, thông tin với phóng viên Dân trí, bác sĩ Phạm Phước Tiến, Phó trưởng khoa Phỏng và Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) cho biết, những ngày qua nơi đây đã tiếp nhận điều trị 3 trường hợp bỏng nặng sau tai nạn trong quá trình làm việc.
Trường hợp thứ nhất là anh H.T.N. (SN 1977), nhập viện sáng 9/8 trong tình trạng bỏng lửa 24% độ 2 vùng mặt cổ, tứ chi. Bệnh nhân được điều trị thay băng vết bỏng, nội khoa (dịch truyền, kháng sinh, giảm đau). Sau 3 ngày chăm sóc tích cực, tình trạng sức khỏe bệnh nhân đã dần ổn định.
Trường hợp thứ hai là anh L.Nh. (SN 1981, quê Cần Thơ), nhập viện với chẩn đoán phỏng lửa 35% độ 2 vùng mặt, bụng, lưng, tứ chi. Ngay sau khi tiếp nhận từ khoa Cấp cứu, các bác sĩ khoa Phỏng đã cho bệnh nhân thay băng, truyền dịch, dùng kháng sinh…
Nặng nhất là anh L.M.T. (SN 1997, quê Bến Tre), được đưa vào viện với chẩn đoán bỏng lửa diện tích 63% độ 2 ở khắp người, như vùng mặt, cổ, lưng, bụng, tứ chi. Bệnh nhân cũng được điều trị thay băng vết bỏng, các điều trị nội khoa, hồi sức.
Nằm trên giường bệnh và bị băng khắp người, anh Nh. chia sẻ, thời điểm trên bản thân cùng các đồng nghiệp đang làm việc gần máy nén khí gas dùng để ép nệm, gối, tại một công ty ở tỉnh Bình Dương. Vì môi trường làm việc nóng bức nên đa số công nhân đều cởi trần, mặc quần cộc.
“Lúc đó tôi không biết gì, chỉ nghe một tiếng “ầm” lớn đã nằm xuống hôn mê. Đến khi tỉnh lại, tôi đã thấy mình nằm trong bệnh viện, không thể đi đứng được…”, nạn nhân kể.
Còn anh T. nói thêm, trước đây nhiều năm (2012), công ty anh làm việc cũng từng xảy ra một vụ cháy nổ lớn. Sau tai nạn, người đàn ông chịu rất nhiều nỗi đau hành hạ cơ thể. Nam thanh niên cho biết, đây là bài học lớn cho bản thân. Bệnh nhân hy vọng có thể sớm xuất viện, quay trở lại làm việc nuôi gia đình.
“Sau này tôi sẽ chú ý kỹ lưỡng hơn, phải có đồ bảo hộ đầy đủ khi làm việc”, anh T. hối hận.
Theo bác sĩ Tiến, các nạn nhân sẽ mất vài tuần để điều trị, chăm sóc vết thương mới có thể nghĩ đến việc xuất viện. Ngoài ra, bệnh nhân cần phải can thiệp vật lý trị liệu hỗ trợ để phục hồi các chức năng của cơ thể. Khó khăn lớn nhất là việc xử lý nhiễm trùng, vì diện tích bỏng của bệnh nhân rất rộng.
Bác sĩ Tiến chia sẻ, bệnh nhân bỏng khí gas rất thường gặp tại khoa Phỏng và Phẫu thuật tạo hình, đa số xuất phát từ tai nạn sinh hoạt, bên cạnh đó còn có tai nạn lao động. Bệnh nhân thường sử dụng những bình gas mini kém an toàn trong nhà, trước khi xảy ra sự cố.
Ngoài bị bỏng da, bệnh nhân còn có thể bỏng hô hấp vì hít phải muội than nóng, khiến việc điều trị gặp khó khăn.
Do đó, người dân được khuyến cáo nên sử dụng các bình gas mới, có chứng nhận chất lượng để có độ an toàn cao. Trong môi trường làm việc, công ty, xí nghiệp phải trang bị đủ bảo hộ lao động, tuân theo các quy trình về an toàn lao động.
Khi đã xảy ra bỏng khí gas, nạn nhân cần được đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt – nhất là trong trường hợp có bỏng hô hấp – để được nhân viên y tế can thiệp xử trí vết thương, nội soi để lấy dị vật đường hô hấp (nếu có) kịp thời, nhằm tránh các biến chứng nguy hiểm về tính mạng.