Phó Chủ tịch tập đoàn đầu tư Berkshire Hathaway, ngài Charlie Munger từng nói: “Người ta thường tính toán quá nhiều và suy nghĩ quá ít”. Nhận định này rất đúng khi trên thị trường người ta thường chú trọng tính toán quá nhiều về các con số định lượng (quantitative) như dự báo dòng tiền mà bỏ quên đi các yếu tố định tính (qualitative). Việc học theo phương pháp 4M của Phil Town sẽ giúp bạn chú trọng hơn đến các yếu tố định tính như: đặc điểm kinh tế của ngành nghề/lĩnh vực, lợi thế cạnh tranh, đạo đức của ban lãnh đạo – vô cùng gần gũi với hoạt động của doanh nghiệp.
Phương pháp đầu tư 4M là gì?
Phương pháp đầu tư 4M được xây dựng bởi Phil Town – nhà đầu tư, diễn giả và tác giả nổi tiếng người Mỹ. Ông chịu ảnh hưởng lớn bởi triết lý đầu tư giá trị, có thể kể đến như nguyên tắc vô cùng cẩn trọng “đừng để mất tiền” hay “sức mạnh của lãi suất kép” của việc nắm giữ cổ phiếu dài hạn mà ông học được từ Warren Buffett.
Phil Town đã nhắc tới phương pháp đầu tư 4M qua 2 cuốn sách của ông: “Rule One Investing” và “Pay Back Time”. Với cách truyền tải tương đối dễ hiểu, ông đã tạo động lực cho hàng ngàn nhà đầu tư cá nhân tại Mỹ tự bắt đầu việc đầu tư của mình thay vì ủy thác cho các quỹ đầu tư với hiệu suất sinh lời thiếu hiệu quả.
Theo phương pháp 4M, trước khi ra quyết định mua một cổ phiếu, bạn cần trả lời 4 tiêu chí sau:
- Meaning (ý nghĩa): bạn hiểu thế nào về ngành nghề và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp?
- Moat (lợi thế cạnh tranh): công ty đó có những lợi thế cạnh tranh gì?
- Management (ban lãnh đạo): ban lãnh đạo có tài giỏi và trung thực?
- Margin-of-safety (biên an toàn): giá cổ phiếu bạn mua so với giá trị thực của doanh nghiệp?
Cách tiếp cận phương pháp đầu tư 4M đúng đắn
Mình hi vọng bạn đọc hãy tiếp cận phương pháp đầu tư 4M như một hệ thống tư duy (mental model) với nguyên tắc đúng đắn chứ đừng áp dụng cứng nhắc các công thức (formula) mà Phil Town đề xuất, nếu không bạn sẽ dễ lặp phải sai lầm của một bạn trẻ từng chia sẻ dưới đây.
Trong đầu tư, bạn không thể sao chép một công thức của một NĐT nào đó mà giúp bạn thành công bền vững vì:
- Bạn khác họ, khác từ khẩu vị rủi ro, tính cách, hành vi đến nguồn vốn đầu tư…
- Giá cổ phiếu trên TTCK được quyết định bởi hành vi của hàng vạn, hàng triệu con người đến mức thay đổi từng ngày, từng phút. Hơn nữa, TTCK Việt Nam và TTCK nơi Phil Town đầu tư có rất nhiều khác biệt.
Thật nực cười nếu ai đó áp dụng cứng nhắc các công thức của Phil Town mà thất bại thì lại quay ra phê phán ông? Sao họ không tự trách bản thân mình vì đã “tính toán quá nhiều và suy nghĩ quá ít”?
Giờ hãy cùng mình tìm hiểu cụ thể từng chữ cái trong phương pháp 4M nhé!
MEANING – Hiểu biết về ngành nghề và hoạt động kinh doanh
Phil Town đưa ra mô hình 3 vòng tròn (three circles model) giúp bạn tìm ra các khoản đầu tư nằm trong phạm vi am hiểu nhất. Đó là:
- Đam mê: thứ bạn thích, có thể dành hàng giờ liền để tìm hiểu về nó
- Tài năng: thứ bạn làm giỏi nhất, có kiến thức nhất
- Chi tiêu: thứ bạn đang kiếm được tiền hoặc chi tiêu tiền cho chúng
Ông đề xuất nghiên cứu một cổ phiếu/ngành nghề mà bạn vừa có kiến thức, vừa có đam mê và đồng thời cũng hiểu thị yếu của khách hàng (cách tiêu tiền) sẽ giúp bạn có một khoản đầu tư tuyệt vời. Nhưng để đáp ứng đồng thời cả 3 yếu tố trên thì bạn sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội tốt.
Theo mình, bạn nên mua cổ phiếu của các công ty hoạt động trong ngành nghề mà bản thân có thể hiểu hoặc học hỏi được. Dần dần bạn sẽ từng bước phát triển về kiến thức chuyên môn, về mô hình kinh doanh, thứ giúp những con số định lượng trên báo cáo tài chính trở nên dễ hiểu hơn trong mắt bạn và cũng giúp bạn tìm ra lợi thế cạnh tranh (moats) bền vững của doanh nghiệp.
Ví dụ, khi bạn hiểu ngành bán lẻ thì bạn sẽ không cảm thấy quá bất ngờ khi tỷ lệ nợ vay ngắn hạn trên tổng nợ thường lớn hơn 80%. Bạn cũng sẽ tìm ra lợi thế cạnh tranh của một nhà bán lẻ đến từ quy mô và năng lực quản trị vốn lưu động.
MOAT – Lợi thế cạnh tranh
Các NĐT giá trị yêu thích cổ phiếu của những doanh nghiệp sở hữu lợi thế cạnh tranh bền vững, tức là khả năng để doanh nghiệp bảo vệ bản thân trước sự cạnh tranh của thị trường và tăng cường biên lợi nhuận. Phil Town đưa ra 5 lợi thế cạnh tranh như sau:
Những lợi thế cạnh tranh trên là cơ bản và cần thiết trong thị trường kinh doanh truyền thống, tuy nhiên chưa đủ để tạo ra một siêu doanh nghiệp. Ví dụ như CTCP Sữa Việt Nam (VNM), doanh nghiệp sở hữu thương hiệu sữa Vinamilk đã quá quen thuộc với người dân Việt Nam, đáp ứng 3/5 lợi thế cạnh tranh theo tiêu chí Phil Town đưa ra. Nếu tính cả thương hiệu sữa Mộc Châu (công ty con của VNM) thì VNM chiếm đến 45% thị phần sữa Việt Nam (tính đến hết năm 2020).
Tuy nhiên giá cổ phiếu VNM từ vùng đỉnh 110.000 đồng đã giảm mạnh 25% và giao dịch quanh 85.000 đồng trong suốt năm 2021 trong khi VN-Index tăng 36% (2021 so với 2020). Đó là vì VNM không còn động lực tăng trưởng trong tương lai khi dư địa khai thác thị phần tại Việt Nam đã hết và các sản phẩm xuất khẩu của VNM không thành công. Như vậy, đem sản phẩm vươn ra toàn cầu mới có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh khổng lồ cho doanh nghiệp.
Vậy đối với những ngành còn dư địa tăng trưởng trong nước thì sao? Năm 2007, khi thị trường điện thoại và điện máy còn quen mặt với các ông lớn như Viễn Thông A, Pico, Nguyễn Kim thì CTCP Thế Giới Di Động (MWG) – một kẻ đi sau đã quyết định chia 32,5% cổ phần để hợp tác với quỹ Mekong Capital. Nhờ đó, MWG có đủ vốn để tăng số lượng cửa hàng bán lẻ thần tốc. Năm 2020, MWG chiếm đến 50% thị phần di động và 45% thị phần điện máy, bỏ xa các đối thủ cạnh tranh có thương hiệu lâu năm.
Khi thị trường di động và điện máy không còn dư địa phát triển, MWG tiếp tục tìm kiếm động lực tăng trưởng mới ở thị trường bán lẻ thực phẩm với chuỗi Bách Hóa Xanh. Như vậy, trong nền kinh tế thị trường hiện nay, độc quyền hay thương hiệu không còn là lợi thế bền vững, mà chính việc thay đổi dù đang trên đỉnh cao sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn nhất.
Nếu bạn tìm hiểu sâu về ngành nghề và hoạt động kinh doanh theo tiêu chí chữ M đầu tiên, bạn sẽ biết doanh nghiệp nằm đâu trong chuỗi giá trị ngành (industry value chain) và cần những nhân tố nào để thành công (critical success factors) thay vì chữ MOAT đơn giản.
Ngoài ra, Phil còn lượng hóa lợi thế cạnh tranh bằng những con số định lượng, bạn đọc có thể tham khảo thêm.
Nếu bạn muốn tìm hiểu kĩ hơn về các con số định lượng trên báo cáo tài chính thì click vào đây nha!
MANAGEMENT – Ban lãnh đạo
Tiền chỉ là công cụ, nhưng yếu tố con người, đứng đầu là ban lãnh đạo mới là động lực chính giúp một doanh nghiệp có thể trở nên thành công.
Vì độ minh bạch của thị trường cận biên (frontier market) như Việt Nam còn khá hạn chế, bạn khó có thể đánh giá được uy tín của ban lãnh đạo nếu không kết hợp cả phân tích định tính lẫn định lượng.
Có những lãnh đạo thật sự tài năng, chẳng có lý gì mà bạn không sẵn sàng giao tiền cho họ? Tuy nhiên, mâu thuẫn lợi ích (conflict of interests) luôn tồn tại trong các công ty đại chúng và bạn không thể ngờ được nếu họ tuồn lợi ích kinh tế của cổ đông ra các công ty có liên quan đến gia đình.
Vì lẽ đó, mình nhận thấy không ít NĐT cá nhân đã thua lỗ chỉ vì tin tưởng vào ban lãnh đạo một cách mù quáng thay vì nhìn vào các dấu hiệu đáng ngờ (red flags) trên báo cáo tài chính.
Mặc dù Phil Town có đề xuất một vài dấu hiệu để đánh giá ban lãnh đạo nhưng mình cho rằng không phù hợp khi áp dụng tại thị trường Việt Nam. Thay vào đó, mình sẽ đề xuất một vài cách nhận biết đạo đức ban lãnh đạo như sau:
- Tập trung vào mô hình kinh doanh cốt lõi: doanh nghiệp chỉ nên đa ngành khi có năng lực và tài chính thực sự. Một số doanh nghiệp yếu kém nhưng ban lãnh đạo thích vẽ vời góp vốn đầu tư mới, mua bán và sát nhập (M&A) cốt để che giấu đi việc không có tiền phân phối lại cho cổ đông…
- Biết hài hòa lợi ích của cổ đông: đối với những doanh nghiệp đã tăng trưởng tới mức độ nhất định và ít có khả năng mở rộng thêm, ban lãnh đạo nên phân phối lại một phần lợi nhuận hàng năm cho cổ đông bằng việc trả cổ tức tiền mặt.
- Lợi nhuận luôn đi kèm với tiền: nhằm che giấu lỗ, không ít ban lãnh đạo sử dụng thủ thuật kế toán để tăng lợi nhuận tài chính, kì thực không hề có dòng tiền thật. Một số trường hợp chỉ chi trả cổ tức bằng cổ phiếu nhằm che giấu lợi nhuận ảo, tiền đang bị chiếm giữ bởi một bên khác có lợi ích liên quan đến ban lãnh đạo.
- Cơ cấu doanh nghiệp tinh gọn, ít giao dịch với các bên liên quan: nhiều doanh nghiệp sở hữu các công ty con – liên kết (thực chất là công ty có mục đích đặc biệt – SPE) và thực hiện hoạt động bán hàng qua lại giữa các SPE, book khống lợi nhuận, rút ruột cổ đông như giao dịch thường xuyên giữa CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) với công ty gia đình của chủ tịch.
- Cơ cấu cổ đông có đối trọng: các doanh nghiệp sở hữu lớn bởi một cá nhân/gia đình ít nhiều sẽ gây tổn hại đến lợi ích cổ đông nếu họ muốn tư lợi riêng. Ngược lại, doanh nghiệp có cơ cấu cổ đông đối trọng, có các quỹ đầu tư/định chế tài chính là cổ đông thì càng giảm thiểu rủi ro quản trị.
- Không dính tin đồn thao túng giá cổ phiếu và minh bạch thông tin: UBCK Nhà nước điều tra hành vi thao túng giá cổ phiếu của CTCP Louis Capital (TGG) hoặc CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) hồi tố lỗ khủng trên BCTC đã làm hình ảnh của những vị chủ tịch không còn đáng kính trong mắt các cổ đông.
Một số người nói rằng họ chỉ đầu cơ cổ phiếu trong ngắn hạn nên không cần quan tâm đến ban lãnh đạo. Nhưng hẳn họ còn nhớ vụ chủ tịch CTCP Tập đoàn FLC (FLC) bán chui cổ phiếu khiến hàng loạt các mã họ FLC “lau sàn” nhiều phiên liên tiếp gây thiệt hại nặng nề cho các nhà đầu cơ?
MARGIN-OF-SAFETY – Biên an toàn
Biên an toàn được định nghĩa dễ hiểu nhất chính là sự chênh lệch giữa giá cổ phiếu bạn mua với giá trị thực (intrinsic value) của nó. Khi bạn mua được cổ phiếu với giá càng thấp hơn so với giá trị thực thì biên an toàn càng lớn.
Nói cách khác, bạn sẽ mua cổ phiếu với giá càng rẻ càng tốt để nhỡ bạn có định giá doanh nghiệp sai thì bạn cũng giảm thiểu thua lỗ đáng kể. Phil Town đề xuất chờ đợi đến khi giá cổ phiếu thấp hơn từ 25-50% so với giá trị thực thì bạn nên tự tin mua vào.
Song trong một TTCK đang quá hưng phấn với P/E trung bình toàn thị trường lên đến 15-18 lần, việc tìm ra những cổ phiếu có mức giá rẻ đáp ứng biên an toàn như Phil Town gần như là “đãi cát tìm vàng”. Hơn nữa, việc tính toán giá trị thực của cổ phiếu không hề đơn giản khi kỳ vọng quá lớn của NĐT đã thúc đẩy giá cổ phiếu, đặc biệt là nhóm bluechips cao phi lý. Do đó, để thành công như Phil, chờ đợi và kỷ luật là 2 điều vô cùng quan trọng.
Trong cuốn Rule One Investing, Phil Town gợi ý phương pháp định giá dựa trên EPS và P/E dự phóng. Đây là phương pháp riêng của Phil, không chắc có thể áp dụng thành công cho tất cả mọi người. Tuy nhiên mình học được tư duy vô cùng cẩn trọng của Phil khi ông sử dụng tốc độ tăng trưởng vốn chủ sở hữu (shareholders equity) để làm cơ sở dự đoán tương lai thay vì tăng trưởng EPS như nhiều NĐT thường làm (vì lợi nhuận rất dễ bị thao túng).
Theo mình, dự đoán tương đối tốc độ tăng trưởng là khả thi đối với các ngành nghề và doanh nghiệp có bản chất kinh doanh ổn định. Đối với các ngành nghề chu kỳ (cyclical), việc tính tốc độ tăng trưởng trung bình trong một khoảng thời gian dài trên 5-10 năm sẽ cho ra kết quả hợp lý hơn.
EPS và P/E là hai chỉ số sử dụng để định giá rất phổ biến và hiệu quả, bạn đọc click vào link bên dưới để tìm hiểu nhé:
Việc thực hành các phương pháp đầu tư của người thành công là không hề đơn giản, nhưng chí ít Phil Town cũng hào phóng chia sẻ nguyên tắc đầu tư thích hợp cho NĐT cá nhân. Triết lý đầu tư của Phil đầy cẩn trọng như những NĐT giá trị huyền thoại khác, đó là luôn tỉnh táo, tránh xa tâm lý đám đông, kiểm soát lý trí và kỷ luật bản thân để chờ đợi một phi vụ đầu tư đầy an toàn và tuyệt vời.